Lợi ích và thách thức trong chuyển đổi công nghiệp

Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, đang xem chuyển đổi số như một chiến lược quan trọng để duy trì tính cạnh tranh và đạt được tăng trưởng bền vững.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp tại phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp tại phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn giải pháp tất yếu để các nền kinh tế đạt được sự bền vững. Tuy nhiên, quá trình này tại Việt Nam còn rất nhiều khó khăn; doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ được lợi ích để vượt qua các rào cản trước mắt.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Phiên thảo luận “Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp,” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2024, ngày 25/9.

Ông Đức Đỗ, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ ETLABS Australia thông tin, trong kỷ nguyên chuyển đổi số, nền kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng chuyển đổi sang một cấu trúc dựa trên tri thức, với công nghệ là yếu tố chính thúc đẩy quá trình này.

Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, đang xem chuyển đổi số như một chiến lược quan trọng để duy trì tính cạnh tranh và đạt được tăng trưởng bền vững. Một trong những cơ hội đáng kể nhất mà chuyển đổi số mang lại là khả năng nâng cao hiệu quả vận hành và giảm chi phí.

Chuyển đổi số cũng cho phép các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa, hiệu quả và nhanh chóng cho khách hàng của họ. Bằng cách sử dụng phân tích dữ liệu lớn, các công ty có thể hiểu sâu hơn về hành vi, sở thích của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu này để điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ của họ nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng. Chuyển đổi số tạo ra các nguồn thu nhập và mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, hệ thống thanh toán số và chuỗi cung ứng toàn cầu cho phép doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng cả trong nước và quốc tế.

Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng làm bộc lộ khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động. Ở Việt Nam, nhiều lao động còn thiếu các kỹ năng về số hóa và kỹ thuật cần thiết để vận hành các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu tiên tiến.Chuyển đổi số đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ, cởi mở với sự thay đổi và sẵn sàng đón nhận cái mới.

Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp truyền thống tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo có thể không chấp nhận với việc áp dụng công nghệ mới do lo ngại với sự thay đổi hoặc chưa hiểu rõ về lợi ích mà các công nghệ này mang lại.

 Ông Đức Đỗ, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ ETLABS Australia trình bày tham luận. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ông Đức Đỗ, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ ETLABS Australia trình bày tham luận. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, mặt trái của chuyển đổi số là rủi ro về quyền riêng tư và an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lâu đời, đang dựa vào các hệ thống cũ không tương thích với các công nghệ số hiện đại. Việc tích hợp các hệ thống cũ này với các nền tảng số mới có thể phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi từ các quy trình truyền thống sang quy trình số có thể gây ra sự gián đoạn trong hoạt động, dẫn đến mất năng suất tạm thời.

Theo ông Đức Đỗ, để vượt qua các thách thức và tận dụng hiệu quả cơ hội từ chuyển đổi số, Việt Nam phải phát triển lực lượng lao động cho kỷ nguyên số thông qua đào tạo và đào tạo lại kỹ năng; xây dựng văn hóa sẵn sàng cho số hóa, khuyến khích tinh thần đổi mới, thử nghiệm và khả năng ra quyết định linh hoạt ở đội ngũ lãnh đạo.

Doanh nghiệp cần tận dụng dữ liệu lớn như một nguồn tài nguyên để tạo lợi thế cạnh tranh. Bằng cách phân tích dữ liệu khách hàng, xu hướng thị trường và hành vi của đối thủ cạnh tranh có thể giúp các doanh nghiệp xác định cơ hội thị trường mới, tối ưu hóa chiến lược giá và cải thiện khả năng giữ chân khách hàng. Chuyển đổi số đòi hỏi phải nhanh, thức thời nhưng chiến lược kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp phải đảm bảo tính bền vững về môi trường, trách nhiệm xã hội. Do đó, doanh nghiệp cần áp dụng các công nghệ xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn như tái sử dụng nguyên liệu và giảm chất thải...

Bà Anna Skarbek, Giám đốc điều hành Trung tâm Climateworks, Viện Phát triển bền vững, Đại học Monash nhận định, chuyển đổi công nghiệp có ý nghĩa sống còn cho một nền kinh tế bền vững và khả năng cạnh tranh lâu dài của Việt Nam.

Thế giới đã bắt đầu chuyển sang một kỷ nguyên công nghiệp sạch, trong đó các nhà sản xuất áp dụng các quy trình sạch hơn, hiệu quả hơn như điện khí hóa sản xuất nhiệt công nghiệp và sản xuất thép dựa trên hydro. Việt Nam có cơ hội đáng kể để đứng đầu trong sự chuyển đổi toàn cầu này nhưng đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và linh hoạt, tận dụng sự hợp tác đa chiều mạnh mẽ giữa các bên liên quan ở mọi cấp độ.

Theo bà Anna Skarbek, bốn trụ cột của chuyển đổi công nghiệp là thu hút ngành công nghiệp mới và thúc đẩy xuất khẩu xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, phối hợp và phát triển kỹ năng, và giảm phát thải trong các ngành công nghiệp có cường độ phát thải cao.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á và ở vị trí tốt để tận dụng tăng trưởng dự kiến lớn trong nhu cầu công nghiệp xanh. Các công ty xuất khẩu của Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định xanh mới nổi để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, đặc biệt là từ thị trường EU. Các sáng kiến hiện có ở Việt Nam về "khu công nghiệp sinh thái" hoặc "khu công nghiệp xanh" chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh tế tuần hoàn hoặc quản lý chất thải.

 Bà Anna Skarbek, Giám đốc điều hành Trung tâm Climateworks, Viện Phát triển bền vững, Đại học Monash phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Bà Anna Skarbek, Giám đốc điều hành Trung tâm Climateworks, Viện Phát triển bền vững, Đại học Monash phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Liên quan đến khu công nghiệp sinh thái, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Shinec cho biết, các lợi ích mà khu công nghiệp sinh thái mang lại cho chuyển đổi công nghiệp là rất lớn, bao gồm: giảm tác động môi trường của khu công nghiệp; thúc đẩy tăng hiệu quả; tạo điều kiện cho sự gắn kết cộng đồng; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với tài chính và hỗ trợ kỹ thuật; và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh.

Tuy nhiên, trong số 299 khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ có khoảng từ 1-2% đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các khu công nghiệp sinh thái. Thực trạng trên xuất phát từ những rào cản về mặt pháp lý, sự chồng chéo về chính sách thành lập, hỗ trợ hoạt động và mơ hồ về tiêu chí khu công nghiệp sinh thái.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Việt Nam đã tham gia và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon - những rào cản, tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, xuất xứ xanh đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu. Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho Nhật, châu Âu, cũng đã bắt đầu phải khai báo, đáp ứng những tiêu chuẩn không chỉ về môi trường, còn cả về xã hội, quản trị bền vững (ESG) cho đối tác hàng năm.

“Đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị tuy không trực tiếp giúp gia tăng định giá của doanh nghiệp, nhưng nếu không tuân thủ, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận rời khỏi thị trường. Đặc biệt với các doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu, để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn bền vững cũng là yếu tố bắt buộc phải thực hiện. Để khu công nghiệp sinh thái trở thành nơi cung cấp hệ sinh thái cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Nhà nước cần có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy,” ông Phạm Hồng Điệp khuyến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/loi-ich-va-thach-thuc-trong-chuyen-doi-cong-nghiep-post979214.vnp
Zalo