Lợi ích kép từ cơ chế một cửa của ngành thuế
Cơ chế một cửa là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính thuế, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, mang lại lợi ích kép cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Cơ chế nói trên phát huy tốt khi hình thành tỉnh Gia Lai mới.
Điện tử hóa trong quản lý thuế, hỗ trợ người nộp thuế
Cơ chế một cửa trên lĩnh vực thuế đã được ngành thuế áp dụng từ nhiều năm trước, tiếp tục phát huy khi tỉnh Gia Lai mới vận hành chính quyền 2 cấp. Trong đó, cấp tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các vấn đề lớn và khó liên quan đến thuế đối với tổ chức, DN; cấp xã xử lý các vấn đề đối với người nộp thuế (NTT) tại địa phương.

Công chức ngành Thuế tỉnh tiếp nhận, xử lý các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thuế trên môi trường điện tử. Ảnh: T.Sỹ
Ông Nguyễn Ngọc Sơn-Phó trưởng Thuế tỉnh Gia Lai cho hay, toàn ngành lấy NNT làm trung tâm phục vụ và đang phát huy tối đa 16 ứng dụng chuyên ngành, hiện đại hóa tất cả các khâu trong công tác quản lý thuế, hỗ trợ và thu thuế. Hiện nhiều ứng dụng và dịch vụ công trực tuyến của ngành Thuế đã kết nối liên thông với ngân hàng và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh và được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cho phép NNT nộp và theo dõi hồ sơ liên quan đến lĩnh vực thuế.
Không chỉ thế, cơ quan Thuế tỉnh còn thiết lập và phát huy các kênh giao tiếp Fanpage, Zalo, Gmail… để thông tin nhanh, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng NNT. Đồng thời tương tác, trao đổi, giải đáp, tư vấn, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế mà NNT quan tâm. “Hiện có 99,5% DN, tổ chức khai thuế bằng phương thức điện tử; tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử đối với DN, tổ chức, cá nhân đạt 100%. Số tiền nộp thuế bằng phương thức điện tử đạt 95% trên tổng số tiền thu ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Đường Hân, Phó trưởng Phòng Quản lý và hỗ trợ DN số 1 (Thuế tỉnh), cho hay.
Lợi ích kép
Việc tập trung một đầu mối và ứng dụng tốt công nghệ thông tin giúp DN và người dân giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại, giải quyết nhanh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế. Người dân, DN còn được tiếp cận đầy đủ thông tin về thủ tục, hồ sơ cần thiết, thời gian giải quyết và mức phí, lệ phí một cách công khai, minh bạch.
Thường xuyên thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế, ông Phan Hồng Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang, ở Khu công nghiệp Phú Tài, chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ và nhựa giả mây xuất khẩu, cho biết, hiện các thủ tục liên quan đến thuế đều được thực hiện qua mạng, rất thuận tiện, giúp DN tiết kiệm thời gian và tập trung tối đa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Người dân hoặc DN cũng có thể giải quyết nhanh nhiều vấn đề khác mà không cần đến cơ quan thuế. Chẳng hạn, với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…, ngay sau khi tiếp nhận các thông tin cần thiết từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan Thuế tỉnh sử dụng phần mềm chuyên dụng để xác định các khoản nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân…) mà NNT phải thực hiện, gửi thông báo đến NNT và ngành chức năng trên môi trường điện tử.
Với ngành thuế, việc vận hành tốt cơ chế một cửa tránh được tình trạng cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà để trục lợi, đã tăng niềm tin đối với NTT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu thuế. 6 tháng đầu năm 2025, ngành Thuế tỉnh thu thuế nội địa được 13.379 tỷ đồng, đạt 58,7% dự toán năm, tăng 42,3% so với cùng kỳ.
Ông Lê Minh Nhựt-Trưởng Thuế tỉnh-cho hay: Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mang tầm quốc gia. Đây cũng là định hướng ưu tiên của Bộ Tài chính và ngành Thuế tỉnh thời gian tới. Hiện toàn ngành đang phát huy tối đa mô hình quản lý thuế mở, công khai, minh bạch, đảm bảo hỗ trợ NNT một cách tốt nhất, đồng thời bịt các lỗ hổng trong công tác quản lý thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, hoàn thành dự toán thu ngân sách, phục vụ đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh.