Lợi ích kép từ bệnh án điện tử

Việc triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) tại các cơ sở y tế đang mở ra bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS) ngành y.

Không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), BAĐT còn góp phần giảm thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình quản lý hướng đến xây dựng nền y tế thông minh, hiện đại nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Quét mã QR thanh toán viện phí tại Bệnh viện Mắt Huế

Quét mã QR thanh toán viện phí tại Bệnh viện Mắt Huế

Lợi ích kép

Ông Hoàng Minh (68 tuổi), trú tại phường An Cựu, quận Thuận Hóa bị viêm loét giác mạc. Trước đây, mỗi lần đến khám bệnh tại Bệnh viện Mắt Huế, ông phải đăng ký rồi khai báo thông tin cho nhân viên tiếp đón, sau đó cầm tập bệnh án lên gặp bác sĩ. Hơn nữa, do lớn tuổi nên đôi lúc ông không nhớ rõ bệnh án những lần khám trước. “Từ khi bệnh viện chuyển sang sử dụng BAĐT, không mất nhiều thời gian khai báo bệnh, tôi chỉ việc lên thẳng phòng khám, không phải cầm giấy tờ như trước nên rất thuận tiện”, ông Minh chia sẻ.

Là một trong những cơ sở y tế tiên phong trong việc ứng dụng BAĐT trong KCB, thời gian qua, Bệnh viện Mắt Huế triển khai các mô hình bệnh viện thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong KCB và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Trong đó, dự án BAĐT được triển khai trên toàn bệnh viện bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, đáp ứng quá trình CĐS của ngành.

Hồ sơ BAĐT là bước đột phá quan trọng về ứng dụng CNTT khi có nhiều ưu điểm vượt trội, các quy trình được số hóa toàn bộ, không cần dùng giấy tờ, sổ sách; dữ liệu được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Trong đó, mọi thông tin sức khỏe, tiền sử của người bệnh khi đã đến điều trị tại bệnh viện được lưu giữ đầy đủ, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.

Với những tiện ích đó, BAĐT đang tạo ra lợi ích kép, không chỉ giúp người bệnh giảm gánh nặng giấy tờ, thủ tục hành chính mà còn tạo nhiều thuận lợi trong việc KCB, đặc biệt là đối với đội ngũ y, bác sĩ. “Từ khi triển khai BAĐT bệnh nhân không còn phải chờ đợi, không sợ làm mất kết quả xét nghiệm nếu đã từng đến KCB tại đây. Ngoài ra, thông tin về các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử nên giảm thiểu sai sót y khoa”, BS. Châu Việt Hòa, Phó Khoa Lác Nhãn nhi - Nhãn khoa thần kinh, Bệnh viện Mắt Huế cho biết.

Theo BS.CKII Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế, ứng dụng BAĐT nói riêng và công tác CĐS nói chung đã cắt giảm được chi phí vận hành, chăm sóc được nhiều bệnh nhân hơn trong thời gian ngắn. Mặt khác, công tác CĐS tại bệnh viện đã góp phần tăng trải nghiệm tiện ích cho người bệnh khi được rút gọn quy trình thăm khám và thanh toán không tiền mặt.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung trong đề án 06 của Chính phủ, thời gian tới, bệnh viện triển khai tiếp đón người bệnh KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VssID, VNeID thay cho thẻ BHYT giấy; đẩy mạnh thanh toán toán viện phí bằng các hình thức thay cho tiền mặt như ví điện tử Hue-S, QR; khai báo lưu trú cho người bệnh nội trú qua phần mềm ASM...

 Ký kết chuyển giao ki-ốt y tế thông minh tại Sở Y tế

Ký kết chuyển giao ki-ốt y tế thông minh tại Sở Y tế

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y

Cùng với Bệnh viện Mắt Huế, công tác CĐS được các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng, đặc biệt là hình thành cơ sở dữ liệu của ngành cũng như tập trung xây dựng chính quyền số và xã hội số.

Tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, đến nay, tiến độ khám tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 99,18%. Trong đó, đã cài đặt được hơn 73.000 tài khoản và 12.600 người sử dụng phần mềm KCB từ xa “Bác sĩ cho mọi nhà”; tỷ lệ sử dụng căn cước công dân trong KCB bảo hiểm y tế đạt 91,3% (41.230/45.120 lượt).

Theo PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế, Sở đặt trọng tâm vào công tác CĐS toàn ngành. Trong đó, ưu tiên CĐS trong 3 lĩnh vực, bao gồm: KCB thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh và quản trị thông minh. Đồng thời, hướng đến 2 nhóm hoạt động theo thứ tự ưu tiên, đó là nhóm hoạt động CĐS để giảm phiền hà của người dân và nhóm hoạt động xây dựng y tế thông minh nhằm tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân.

Bên cạnh những thuận lợi trong công tác CĐS nói chung và ứng dụng BAĐT nói riêng thì việc triển khai BAĐT ở các cơ sở y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển CNTT chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý. Mặt khác, hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu, các nền tảng còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ, một số định hướng lớn về ứng dụng CNTT, CĐS trong các lĩnh vực triển khai còn chậm.

Thời gian tới, ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai các ứng dụng KCB thông minh, trong đó đẩy mạnh triển khai BAĐT, bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ; tích hợp nền tảng AI Chatbot, AI Voicebot phục vụ người dân/người bệnh; triển khai hệ thống quản lý hình ảnh (PACS) dùng chung toàn mạng lưới y tế điều trị của thành phố. Đồng thời, tiếp tục triển khai ứng dụng chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh thông minh thông qua việc đăng ký KCB trực tuyến, triển khai hệ thống chăm sóc, tư vấn, hướng đến hội chẩn đoán KCB từ xa; quản trị y tế thông minh thông qua việc xây dựng kiến trúc y tế điện tử, y tế thông minh tiến tới hình thành trục tích hợp thông tin quản lý ngành y tế trên toàn thành phố.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/loi-ich-kep-tu-benh-an-dien-tu-152622.html
Zalo