Lợi ích của việc kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 26/2025/TT- BYT ngày 30/6/2025 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 26), trong đó cho phép bác sĩ kê đơn thuốc tối đa 90 ngày với một số bệnh mạn tính. Với người bệnh, điều này giúp họ tiết kiệm chi phí, giảm số lần đi lại, đỡ tốn thời gian và công sức, đặc biệt là những bệnh nhân sức khỏe đã ổn định; đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nêu rõ, Thông tư số 26 không áp dụng đại trà, không phải bệnh nhân nào cũng được áp dụng.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên.

Thời gian qua, nhiều người bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, đặc biệt là người cao tuổi hằng tháng phải đến bệnh viện để lấy thuốc vì quy định cấp thuốc ngoại trú tối đa 30 ngày. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên có trên 5,9 nghìn bệnh nhân điều trị ngoại trú gồm tiểu đường, huyết áp, K vú đã phẫu thuật, suy giáp, viêm gan B, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong đó 4,9 nghìn trường hợp là bệnh nhân tiểu đường, huyết áp, được khám, cấp thuốc ngoại trú hằng tháng. Mỗi ngày, tại bệnh viện có cả trăm bệnh nhân đến khám; lượng bệnh nhân đông khiến thời gian chờ đợi lâu. Bà Nguyễn Thị Thụy ở xã Tiên Lữ bị bệnh huyết áp cao từ nhiều năm nay. Hằng tháng bà đều được con, cháu đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên khám, lấy thuốc ngoại trú định kỳ. Mỗi lần bà được kiểm tra huyết áp, nhịp tim, kê đơn thuốc nên cũng khá yên tâm về tình trạng sức khỏe. Bà Thụy cho biết: Tuy nhiên, mỗi lần đến ngày lấy thuốc, tôi phải đi sớm, có hôm 6 giờ sáng đã có mặt để lấy số xếp hàng. Nếu bệnh ổn định, tôi mong được cấp thuốc dài ngày để đỡ phải đi lại vất vả...

Hiện nay, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế đã bắt đầu triển khai thực hiện Thông tư số 26. Tại Trung tâm Y tế Phù Cừ hiện đang có trên 3.000 bệnh nhân tiểu đường, huyết áp điều trị ngoại trú. Bác sĩ Nguyễn Văn Kiếm, Giám đốc trung tâm cho biết, trung tâm đang mã hóa phần mềm quản lý bệnh viện và sẽ triển khai ngay sau đó. Việc triển khai Thông tư số 26 vừa có lợi cho bệnh nhân, vừa giảm tải cho cơ sở y tế nhưng cần được thực hiện đúng tinh thần của thông tư. Bác sĩ Lưu Ngọc Tú, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, sau khi Thông tư số 26 có hiệu lực, bệnh viện triển khai đúng tinh thần thông tư nhằm bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân. Tuy nhiên, quyền kê đơn 90 ngày không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Bác sĩ phải đánh giá thật kỹ tình trạng cụ thể của từng người bệnh, tiên lượng sức khỏe của bệnh nhân và các yếu tố khác trước khi quyết định kê đơn kéo dài. Điều này cũng quy định rất rõ tại Thông tư số 26. Trong số các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, các bệnh nhân bị K vú đã phẫu thuật, suy giáp đều được cấp thuốc 2 đến 3 tháng. Thông tư số 26 thực chất là mở rộng đối tượng được quyền cấp thuốc nhiều hơn 30 ngày, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, huyết áp. Đối với những bệnh nhân không được cấp thuốc quá 30 ngày sẽ được bác sĩ giải thích cặn kẽ.

Mặc dù có nhiều lợi ích, việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định. Những rủi ro có thể xảy ra như người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc, không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn, bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại. Vì vậy, tùy từng bệnh, bệnh nhân cụ thể, thời gian cấp thuốc được bác sĩ chỉ định phù hợp. Bác sĩ Nguyễn Văn Thiền, phụ trách Khoa khám bệnh (Bệnh viện Phổi Hưng Yên) cho biết, bệnh viện có 77 bệnh nhân điều trị ngoại trú cấp thuốc định kỳ hằng tháng, trong đó 17 bệnh nhân lao, 60 bệnh nhân mắc COPD. Đối với bệnh nhân lao, thuốc điều trị có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, xương, mắt, não. Do vậy, bệnh nhân buộc phải được khám định kỳ đánh giá tình trạng sức khỏe hằng tháng. Đối với bệnh nhân COPD chủ yếu là người già, bệnh ở mức độ 3, 4 (tình trạng bệnh nặng) đi kèm nhiều bệnh mạn tính khác như tiểu đường, huyết áp, hằng tháng cũng cần được đánh giá chức năng hô hấp. Vì vậy, chỉ có bệnh nhân trẻ, uống thuốc đều, chức năng thông khí phổi tốt sẽ được cấp thuốc từ 2 đến 3 tháng.

Đối với bệnh nhân được cấp thuốc kéo dài, các bác sĩ lưu ý, bệnh nhân cần bảo quản thuốc đúng cách, tránh uống nhầm các loại thuốc. Bệnh nhân tiểu đường điều trị insulin cần có tủ lạnh để bảo quản thuốc vì các loại insulin chỉ có thể để ở nhiệt độ thường dưới 4 tuần. Bệnh nhân cần tuân thủ tiêm hoặc uống thuốc đầy đủ và đúng giờ; đồng thời, tự theo dõi các thông số như nhịp tim, huyết áp, đường máu; cần liên hệ ngay với bác sĩ, đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc khi bị mắc thêm bệnh khác.

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/loi-ich-cua-viec-ke-don-thuoc-ngoai-tru-tren-30-ngay-3182842.html
Zalo