Lợi ích bền vững trong đầu tư công trình xanh
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh hiện nay, việc phát triển công trình xanh bền vững đang dần thành xu hướng tất yếu, mang lại nhiều giá trị dài hạn trong việc giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Là xu hướng tất yếu
Tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP Hà Nội ngày 13/10/2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành TP xanh - thông minh - hiện đại; Nghị quyết tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh và bảo đảm rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, đồng thời ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô.
Đáng lưu ý, hiện Hà Nội đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024. Trong đó, TP đặc biệt chú trọng xây dựng những quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững với nhiều công trình xanh. Các quy định sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.
Thời gian qua, Hà Nội rất chú trọng đến việc thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới xây dựng đô thị thông minh bền vững. Điển hình, nhiều công trình xanh đã được đầu tư xây dựng, tiêu biểu như công trình Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, Tổ hợp công nghệ cao và Trung tâm R&D Samsung (quận Bắc Từ Liêm); Trường liên cấp Genesis (quận Tây Hồ); Dự án Ecohome3 (quận Nam Từ Liêm)…
Tiềm năng còn rất lớn
Mặc dù TP Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh, tuy nhiên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, bền vững.
Lý giải về công trình xanh, TS. Ngô Thế Vinh, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế phát triển đô thị, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đó là công trình xây dựng mà trong cả “vòng đời”, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu đến mức nhỏ nhất các tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan, sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử, tạo ra điều kiện sống tốt nhất.
TS Ngô Thế Vinh lý giải nguyên nhân xuất phát từ suất đầu tư cho công trình xanh lớn hơn từ 1,2% đến trên 10% so với công trình thông thường. Yêu cầu này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hơn, dù sau đó công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thuận lợi hơn trong quản lý vận hành.
Còn theo kỹ sư Lê Cao Chiến, Trung tâm thiết bị, môi trường và an toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), một trong những vướng mắc chính đến từ vật liệu xanh bởi chi phí sản xuất cao hơn so với các vật liệu truyền thống, gây khó khăn cho các nhà thầu xây dựng hoặc người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng. Ngoài ra, mặc dù Việt Nam đang dần xây dựng các tiêu chuẩn về vật liệu xanh, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc đánh giá và quản lý chất lượng của vật liệu này. Để khuyến khích phát triển công trình xanh, ông Hoàng Minh Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, TP đang triển khai chương trình công nhận danh hiệu năng lượng xanh cho các cơ sở công nghiệp và công trình xây dựng. Đây là hướng đi thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững nói chung.
Theo ông Hoàng Minh Lâm, để Thủ đô Hà Nội phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh. TP Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, có quy định cụ thể, chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công trình xanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, người làm quản lý dự án về công trình xanh. Trong khi đó, TS. Ngô Thế Vinh cho rằng, cần nghiên cứu, ban hành lộ trình áp dụng cơ chế đầu tư xây dựng công trình xanh đối với một số loại hình công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư xây dựng công trình xanh, từ đó tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Quản lý thiết kế Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest) Nguyễn Chiến Hữu mong muốn, Bộ Xây dựng sẽ sớm tháo gỡ các quy định về tiêu chuẩn vật liệu để DN thuận lợi trong đầu tư, lựa chọn vật liệu xanh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công trình xanh để nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội, tạo động lực để đầu tư vào công trình xanh.
Ngày 4/10, phát biểu tại Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, theo số liệu thống kê đến hết Quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.