Lời giải cho tình trạng thiếu gắn kết
Vùng đồng bằng sông Hồng có rất nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn FDI, tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất chính là thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong vùng.
Vùng đồng bằng Sông Hồng: Đột phá nào để phát triển?
Vùng Đồng bằng sông Hồng với 11 tỉnh thành, 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp trong vùng còn thiếu bền vững, thiếu liên kết. Chưa kể, việc thiếu quy hoạch vùng, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý và chồng chéo trong thu hút đầu tư của mỗi địa phương. Vậy, để vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển kinh tế hàng đầu, còn cần phải tạo những đột phá phát triển nào? Chuyên đề “Vùng Đồng bằng sông Hồng: Đột phá nào để phát triển?” sẽ đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Vùng Đồng bằng sông Hồng được coi là một “địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng”. Hiện 7 địa phương trong vùng đã nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Với những lợi thế vượt trội, hiện Đồng bằng sông Hồng là vùng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 2 cả nước sau Đông Nam Bộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định: Đồng bằng sông Hồng có rất nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất chính là thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong vùng.
Đứng thứ 2 trong tiêu chí thu hút vốn FDI
+ Thưa GS.TSKH Nguyễn Mại, vùng Đồng bằng sông Hồng có những lợi thế nào trong việc thu hút vốn đầu tư, nhất là dòng vốn FDI?
- Quả thật, vùng Đồng bằng sông Hồng có rất nhiều lợi thế thu hút vốn đầu tư FDI. Trong đó, Thủ đô Hà Nội giữ vị trí “hạt nhân” của cả vùng, khi đây vừa là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của cả nước, vừa là trung tâm hội nhập, giao dịch thương mại giữa Việt Nam với thế giới.
Không chỉ Hà Nội, các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Phòng hay Vĩnh Phúc cũng rất “được lòng” các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí là cả những “ông lớn” trong ngành điện tử như Samsung, LG cũng lựa chọn vùng Đồng bằng sông Hồng để đầu tư.
Có một điều thú vị rằng, vài năm trở lại đây, các chỉ số xuất nhập khẩu hàng hóa trong nhóm doanh nghiệp FDI, hay số vốn đăng ký vào các địa phương này luôn cao hơn Hà Nội. Chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh hay Hưng Yên luôn đứng đầu cả nước.
Nếu xét về thuận lợi, thứ nhất, vùng Đồng bằng sông Hồng có hạ tầng giao thông, logistics phát triển tương đối đồng bộ. Vùng này có tất cả 3 sân bay quốc tế, là sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Hệ thống đường bộ, đường cao tốc liên kết các địa phương trong vùng ngày càng phát triển.
Vùng Đồng bằng sông Hồng có cảng biển nước sâu, đó là cảng Đình Vũ tại Hải Phòng rất lớn, đảm bảo cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, vùng Đồng bằng sông Hồng đã đầu tư đúng trọng điểm, khi nâng cấp mạng lưới giao thông đường thủy nội địa.
Nếu như trước đây, hàng hóa của các địa phương muốn tới cảng Đình Vũ để xuất khẩu phải vận chuyển bằng đường bộ thông qua container. Nhiều trường hợp, các tuyến đường bộ bị ách tắc, dẫn đến việc kéo dài thời gian vận chuyển. Điều này đã khiến doanh nghiệp bị độn thêm chi phí.
Ở thời điểm hiện tại, nhờ được nâng cấp mạng lưới đường thủy nội địa đã rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp trong vùng tới cảng Đình Vũ. Theo tính toán, quãng đường đi qua đường thủy nội địa chỉ bằng 80% so với đường bộ, chi phí cũng tiết kiệm hơn khoảng 40%.
Thứ hai, vùng Đồng bằng sông Hồng có chất lượng lao động ở mức cao. Trong đó, Hà Nội có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề lớn, thậm chí có một số trường còn đạt tới đẳng cấp quốc tế. Hằng năm, các trường đã đào tạo hàng chục nghìn sinh viên có tay nghề cao. Các nhà đầu tư FDI đánh giá rất cao chất lượng lao động vùng này.
Thứ ba, vùng Đồng bằng sông Hồng ít chịu sự ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Mặc dù trong năm, vùng cũng có xuất hiện một số cơn bão ảnh hưởng vào đất liền, nhưng không quá lớn.
Thứ tư, vùng Đồng bằng sông Hồng có vị trí khá chiến lược, khi nằm gần với Trung Quốc. Nhờ đó, quá trình vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có phần thuận lợi hơn các vùng khác.
Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh vốn đầu tư sang các nước ASEAN, Việt Nam lại là cửa ngõ của ASEAN nên chắc chắn dòng vốn FDI của Trung Quốc sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Nhờ có vị trí như vậy, việc thu hút vốn FDI của Đồng bằng sông Hồng cũng có lợi thế hơn.
Trước đây, một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế và đất đai để thu hút vốn FDI. Thế nhưng, hiện nay, chính sách đầu tư đã có sự thống nhất giữa các địa phương với nhau, không phân biệt vùng này với vùng khác, hay giữa địa phương này với địa phương khác.
Dù vậy, một số địa phương ví dụ như Hà Nội chẳng hạn sẽ có một số ưu đãi mang tính chất địa phương, nhưng các ưu đãi này đều phải được Quốc hội xem xét. Nhưng về cơ bản, sự ưu đãi này không quá phân biệt giữa các địa phương khác. Do đó, tôi cho rằng, yếu tố về ưu đãi thuế, đất đai đã không còn.
+ Với những lợi thế như trên, tại sao trong nhiều năm qua, Đồng bằng sông Hồng vẫn luôn giữ vị trí số 2 trong việc thu hút vốn FDI, chứ không phải là “người dẫn đầu”, thưa ông?
- Trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam thì Đông Nam Bộ là khu vực thu hút vốn FDI đứng đầu cả nước trong hầu hết các năm, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhưng để lý giải vì sao Đồng bằng sông Hồng vẫn luôn duy trì ở vị trí thứ 2, chứ không phải là “người dẫn đầu” thì rất khó, vì có rất nhiều yếu tố chi phối.
Một trong những yếu tố chính, đó là kinh tế của Đông Nam Bộ lớn hơn và có phần năng động hơn Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, Đông Nam Bộ có cộng đồng doanh nghiệp tư nhân rất lớn, họ có mối quan hệ kinh doanh, giao thương với các doanh nghiệp ngoại từ rất lâu. Do đó, nhiều “ông lớn” nước ngoài thường đầu tư vào các tỉnh, thành phố phía Nam trước, sau đó mới Bắc tiến.
Cần có một Hội đồng vùng đúng nghĩa
+ Vậy thưa ông, đâu là những khó khăn, thách thức của vùng Đồng bằng sông Hồng trong việc thu hút vốn FDI?
- Có thể thấy rằng, nhược điểm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng chính là thiếu sự kết nối giữa các địa phương trong vùng, thiếu các cơ chế, chính sách điều phối các vấn đề liên quan giữa 2 địa phương, hay nhiều địa phương.
Hiểu một cách đơn giản, các vấn đề có liên quan tới 2 địa phương với nhau hiện rất khó giải quyết và đi đến thống nhất, mọi thứ đều phải chờ quyết định của Trung ương, tuy nhiên quá trình này thường tốn kha khá thời gian.
Trong một vài trường hợp cụ thể, các địa phương đều có những quyết định khác nhau và thường nhận phần có lợi hơn về mình, thay vì lợi ích chung. Ví dụ như các vấn đề đầu tư thương mại, hay các giải pháp chống bão, lũ lụt hay hạn hán cũng thế, rất khó để có tiếng nói chung giữa các địa phương với nhau.
Dù vậy, tôi cho rằng, nhược điểm này không chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Hồng mắc phải, mà toàn bộ các vùng khác đều vướng. Đây là khó khăn chung.
+ Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phải thay đổi những điều gì, thưa Giáo sư?
- Nhược điểm lớn nhất đó chính là thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, như vậy, giải pháp đưa ra ở đây chính là làm thế nào để các địa phương liên kết lại với nhau.
Trên thực tế, cơ chế hiện nay đã thành lập Hội đồng kinh tế vùng, tuy nhiên mới chỉ là hình thức và cách thực thi vẫn chưa tốt. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta phải thành lập một Hội đồng vùng đúng nghĩa. Trong Hội đồng vùng sẽ có người đứng đầu, giống như một Chủ tịch UBND cấp vùng, người này phải chịu trách nhiệm với Chính phủ, với dân về các vấn đề liên quan của vùng đó.
Về vấn đề kinh phí không nhất thiết phải sử dụng ngân sách Trung ương, thay vào đó là sự đóng góp của các địa phương, dựa theo GRDP của địa phương đó. Địa phương nào giàu thì đóng góp nhiều, địa phương nào kém phát triển hơn thì đóng ít.
Đây chính là giải pháp, theo tôi là hữu hiệu nhất để tăng liên kết giữa các địa phương trong vùng.
+ Xin chân thành cảm ơn ông!
Trần Định (Thực hiện)