Lời giải cho bài toán chống ùn tắc giao thông ở TP HCM

Việc xử phạt nặng nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông cần thực hiện song song với điều chỉnh hoạt động tổ chức giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, chiều tối 10-1, tại một số nút giao thông lớn thường xảy ra ùn tắc ở Hà Nội như ngã tư Khuất Duy Tiến, ngã 6 Ô Chợ Dừa..., ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã có chuyển biến tích cực. Tình trạng vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi ngược chiều... giảm rõ rệt; nhiều người nhẫn nại chờ đợi 2-3 nhịp đèn giao thông để vượt qua đoạn giao cắt.

Kẹt xe do... không được leo lề, rẽ phải

Tương tự, ở TP HCM, sau 10 ngày kể từ khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực, hầu hết người tham gia giao thông đều tuân thủ quy định.

Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra những ngày gần đây tại khu vực trung tâm TP HCM. Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 10-1, giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) không còn tình trạng người điều khiển phương tiện chạy lên lề đường dù dòng xe ken đặc trên đường, phải nhích từng chút một. "Đoạn đường này trước đây cũng kẹt xe vào giờ cao điểm nhưng chỉ 1 nhịp đèn giao thông là sẽ qua được, không phải mất tới 15-20 phút mới bò được một đoạn khoảng 500 m như giờ" - ông Lợi (SN 1968, ngụ quận Bình Thạnh) phản ánh.

Tình hình giao thông tại các nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Thông (quận 3), Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du (quận 3)... cũng căng thẳng không kém.

Không riêng khu vực trung tâm, tại ngã tư Thủ Đức (TP Thủ Đức) chiều cùng ngày, dòng xe cũng "mắc kẹt" trên đường dù lực lượng CSGT túc trực để điều tiết giao thông, phần nào giúp giảm tình trạng ùn tắc, hỗn loạn. Đáng chú ý, tại một số giao lộ "trọng điểm", người dân rất ít leo lên vỉa hè hay rẽ phải để "né" kẹt xe như trước. Chẳng hạn, tại ngã tư Phạm Văn Đồng - Tô Ngọc Vân (phường Linh Tây), người dân trước đây có thói quen rẽ phải từ đường Tô Ngọc Vân vào đường Phạm Văn Đồng trong khi lực lượng CSGT cũng "ngó lơ", nhưng hiện nay hầu như không còn tình trạng này. Thậm chí, thỉnh thoảng có người leo lề thì lập tức có tiếng nhắc nhở: "Coi chừng bị phạt 5 triệu đồng!".

Dòng xe ùn ứ cũng kéo dài trên đường Nguyễn Xí, Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh) hướng ra giao lộ Phạm Văn Đồng. Đáng nói, đèn đỏ tại đây kéo dài hơn 110 giây nhưng đèn xanh chỉ hơn 20 giây. Cách đó không xa, tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị hay Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định (quận Gò Vấp), lượng xe không kịp thoát khi đến đèn xanh và bị kẹt lại sau 2-3 nhịp đèn cũng rất lớn.

"Tôi đọc báo thấy đưa tin một người phụ nữ khóc nức nở do bị phạt 5 triệu đồng khi chạy xe trên vỉa hè, nghĩ nếu mình lỡ bị phạt thì cũng không biết lấy tiền đâu mà đóng nên cố gắng tuân thủ luật" - chị Lê Thụy Phương (TP Thủ Đức) nói.

Giao lộ Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch giảm ùn tắc giao thông sau khi lắp đặt biển cho phép rẽ phải khi đèn đỏ Ảnh: NGỌC QUÝ

Giao lộ Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch giảm ùn tắc giao thông sau khi lắp đặt biển cho phép rẽ phải khi đèn đỏ Ảnh: NGỌC QUÝ

Điều chỉnh hoạt động tổ chức giao thông

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục CSGT - Bộ Công an, nhấn mạnh Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành đèn tín hiệu theo 3 màu xanh, đỏ, vàng.

Dù mức xử phạt tăng mạnh nhưng vẫn còn trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông. Trong ảnh: Tình trạng ùn tắc tại đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức, TP HCM chiều 10-1 Ảnh: ANH VŨ

Dù mức xử phạt tăng mạnh nhưng vẫn còn trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông. Trong ảnh: Tình trạng ùn tắc tại đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức, TP HCM chiều 10-1 Ảnh: ANH VŨ

Theo đó, ở trường hợp thông thường, tài xế không được đi bất cứ hướng nào khi gặp đèn đỏ, bao gồm rẽ phải. Tại những nút giao thông tổ chức cho rẽ phải, thể hiện bằng tín hiệu đèn mũi tên màu xanh hoặc biển báo phụ, hay khi người điều khiển giao thông đang làm nhiệm vụ ra hiệu lệnh cho phép, tài xế được phép rẽ phải khi đèn đỏ mà không bị xử phạt.

Về đề xuất cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, phải có nghiên cứu và phụ thuộc vào hoạt động tổ chức giao thông của cơ quan chuyên ngành. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần khảo sát, đo đếm lưu lượng, tính toán thời gian, phân luồng..., từ đó xem xét cho phép hay không cho phép rẽ phải khi đèn đỏ. Tương tự như vậy với các hoạt động phân - tách làn, cắm biển báo hiệu, vạch kẻ đường...

Bên cạnh đó, Cục CSGT cho biết đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan đề nghị nhanh chóng rà soát, khắc phục các cột đèn tín hiệu giao thông có hiện tượng hư hỏng, không xử phạt đối với người vi phạm tại các cột đèn đang gặp sự cố. Theo đại diện Cục CSGT, các thiết bị kỹ thuật đều có nguy cơ xảy ra sự cố nên khi CSGT xem xét hình ảnh để xử lý đều phải xác minh.

Riêng tại TP HCM, ngày 10-1, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết đã lắp đặt 50 đèn tín hiệu mũi tên cho phép rẽ phải khi đèn đỏ. Việc lắp đặt đã được tiến hành tại các giao lộ như Pasteur - Điện Biên Phủ (quận 3), Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch (quận 3), Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ (quận 1)... Sau khi lắp đặt, tình trạng đông đúc, ùn ứ tại những khu vực này đã có những tín hiệu được cải thiện. "Việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại những giao lộ đáp ứng điều kiện an toàn không chỉ giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông" - đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP HCM nhìn nhận.

Dự kiến, sau khi hoàn thành lắp đặt tại 50 vị trí đầu tiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục theo dõi và triển khai lắp đặt thêm các đèn báo cho phép rẽ phải tại những giao lộ khác trên địa bàn TP HCM.

Tăng tốc cải thiện hạ tầng

Sáng 10-1, Ban An toàn Giao thông TP HCM đã tổ chức lễ phát động ra quân thực hiện Năm An toàn giao thông 2025 với chủ đề "Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai".

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố quan tâm đầu tư, chỉ đạo thực hiện nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm như metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), hầm chui Trần Quốc Hoàn, hầm chui Nguyễn Văn Linh, cầu Phước Long... Theo ông Bùi Xuân Cường, các giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn đã giúp xóa được 1 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, 7/9 điểm đen tai nạn giao thông... "Xây dựng và triển khai mạnh các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông; đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường khẳng định.

Không phải muốn phạt được nhiều!

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Nghị định 168/2024 đã bước đầu phát huy hiệu quả song số lượng vi phạm bị phát hiện vẫn còn cao dù quy định xử phạt rất nghiêm khắc. Do đó, cần kiên trì thực hiện nghị định đồng bộ với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật. "Nghị định này được ban hành không phải với mong muốn xử phạt, phạt được nhiều mà mong muốn lớn nhất là giúp mọi người dân cùng chung nhận thức, hạn chế vi phạm giao thông, giảm thiểu tai nạn, thiệt hại về con người. Từ đó, xã hội có ý thức, văn hóa chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông" - ông Nhật nhấn mạnh.

Đối với ý kiến cho rằng mức phạt quá nặng, đại tá Nhật phân tích nhiều hành vi vi phạm luật giao thông rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Bởi vậy, cần lập lại trật tự mới, xây dựng kỷ cương để bảo đảm an toàn giao thông. "Không có chuyện mức phạt cao dẫn đến việc người vi phạm bỏ xe, thoát tội. Khi người điều khiển phương tiện bị tạm giữ giấy phép lái xe thì sẽ không được cấp/đổi, không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông" - đại tá Nhật giải thích thêm.

NGUYỄN HƯỞNG - NGỌC QUÝ - ANH VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/loi-giai-cho-bai-toan-chong-un-tac-196250110212752067.htm
Zalo