Lời giải cho bài toán 'cạn' nguồn và 'giữ chân' đảng viên

Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Cùng với đó, tình trạng đảng viên bị xóa tên, cho ra khỏi Đảng ngày càng tăng đang đặt ra nhiều mối quan tâm trong công tác xây dựng Đảng hiện nay ở Đảng bộ tỉnh. Thực tế đòi hỏi các cấp ủy cần tìm ra nguyên nhân chủ yếu, từ đó có những giải pháp căn cơ, lâu dài tháo gỡ từng 'nút thắt', tìm lời giải cho bài toán tạo nguồn phát triển đảng viên và 'giữ chân' đảng viên sau khi kết nạp.

KỲ 1:

THÁO GỠ “NÚT THẮT” CẠN NGUỒN, XÓA TÊN

Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy Vĩnh Long quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tỉnh ngày càng tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên gần đây đang gặp khó khi nguồn kết nạp ngày càng thiếu hụt, số đảng viên bị xóa tên, cho ra khỏi Đảng ngày càng tăng, nhất là đảng viên trẻ, đảng viên mới kết nạp. Thẳng thắn nhìn nhận rõ vấn đề và xác định rõ nguyên nhân đang là mối quan tâm của các cấp ủy hiện nay.

Thiếu hụt nguồn kế cận

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long hiện có 11 đảng bộ trực thuộc, 468 TCCSĐ, 1.967 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và tổng số 44.245 đảng viên. Tỉnh phấn đấu mục tiêu kết nạp đảng viên giai đoạn 2020-2025 và 2025-2030 đạt từ 3% trở lên so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu kết nạp 5.000 đảng viên mới. Theo đó, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy cơ bản thực hiện tốt việc xem xét, kết nạp đảng viên theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 9-2024, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 4.392 đảng viên mới, đạt 87,84% chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo thống kê 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy số lượng này đang giảm so với những năm trước. Toàn Đảng bộ tỉnh chỉ kết nạp được 772/1.200 chỉ tiêu của năm, đạt 64,33%. Bên cạnh một số đảng bộ có tỷ lệ kết nạp khá như Đảng bộ huyện Long Hồ kết nạp 107 đảng viên, đạt 76,43% chỉ tiêu đề ra; Đảng bộ Công an tỉnh kết nạp 30 đảng viên, đạt 75%; Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh kết nạp 159 đảng viên, đạt 96,36%... thì hầu hết các đảng bộ còn lại có tỷ lệ kết nạp thấp, đặc biệt có 2 địa phương kết nạp dưới 50% chỉ tiêu được giao.

Việc phát triển đảng viên trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa đạt hiệu quả. Qua thống kê, tính đến tháng 12-2023, trên địa bàn tỉnh có 3.871 doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động với khoảng 82.001 lao động. Tuy nhiên hiện chỉ có 627 đảng viên trong loại hình này. Trong nhiệm kỳ mới phát triển được 68 đảng viên mới (trong đó 2 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, 66 đảng viên là công nhân, người lao động).

Việc phát hiện, bồi dưỡng kết nạp mới đối với đối tượng là học sinh, sinh viên cũng chưa có nhiều kết quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh mới kết nạp được 52 đảng viên từ nguồn sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; không có đảng viên mới là học sinh.

Đảng viên ra khỏi Đảng tăng

Một nghịch lý hiện nay là, số kết nạp mới giảm, trong khi số đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng lại ngày càng tăng.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, năm 2021, toàn Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long kết nạp được 1.193 đảng viên; xóa tên, cho ra khỏi Đảng 332 đảng viên, chiếm 27,83% so với số kết nạp mới. Năm 2022, Đảng bộ tỉnh kết nạp được 1.213 đảng viên, đạt 101,08% chỉ tiêu đề ra. Nhưng số đảng viên bị xóa tên, cho ra khỏi Đảng có 255 đảng viên, chiếm 21,02% so với số kết nạp mới. Con số xóa tên, cho ra khỏi Đảng năm 2023 là 356 đảng viên, chiếm 29,32% số kết nạp mới 1.214 đảng viên. Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2024, Đảng bộ tỉnh kết nạp được 772 đảng viên, trong khi số cho ra, xóa tên khá cao với 332 đảng viên, chiếm 43,01% số với kết nạp mới.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm này, số đảng viên bị xóa tên, cho ra khỏi Đảng là 1.275 đảng viên, so với tổng số 4.392 đảng viên kết nạp mới thì tỷ lệ 29,03% là con số không nhỏ, thậm chí có thể nói đây là con số đáng báo động đối với công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh.

 Số liệu đảng viên mới kết nạp và xóa tên, cho ra khỏi Đảng ở Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long từ năm 2021 đến nay.

Số liệu đảng viên mới kết nạp và xóa tên, cho ra khỏi Đảng ở Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long từ năm 2021 đến nay.

Đâu là nguyên nhân?

Để dẫn đến tình trạng “cạn” nguồn kết nạp, không “giữ chân” được đảng viên thì nguyên nhân đầu tiên, chính yếu nhất được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra, đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp ủy cơ sở.

Thiếu hụt nguồn là vậy, nhưng một số nơi vẫn còn tình trạng cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Những đồng chí được phân công theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao; chưa có những chỉ dẫn, định hướng kịp thời, phù hợp để quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Một số cán bộ, đảng viên chưa phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu để quần chúng lấy đó làm động lực phấn đấu, noi theo.

Công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú chưa được quan tâm đúng mức, đảng viên thiếu lập trường tư tưởng, tính tiền phong gương mẫu chưa cao. Có nơi vai trò của người đứng đầu trong quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, thiếu sâu sát. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên ở một số chi bộ không thường xuyên, chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của đảng viên trong chi bộ. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng kết nạp “vội”, “chạy” theo chỉ tiêu, thiếu quan tâm đến chất lượng đảng viên. Đó là nguyên nhân lí giải vì sao ngày càng nhiều đảng viên xin ra khỏi Đảng hoặc bị xóa tên do không chấp hành đúng quy định Điều lệ Đảng.

Ở các vùng nông thôn, số thanh niên đi làm ăn xa nhiều, số còn lại làm kinh tế nông nghiệp tại địa phương trình độ, năng lực hạn chế, thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia các phong trào. Mặc dù đã được tổ chức đảng, đảng viên vận động, thuyết phục nhưng do nhận thức chưa đầy đủ nên không mặn mà với tổ chức đảng. Do vậy mà nguồn quần chúng ở nông thôn rất ít. Bên cạnh đó, động cơ phấn đấu vào Đảng của một số đảng viên chưa đúng đắn, vì lợi ích cá nhân, do đó khi không đạt được mục tiêu thì giảm sút ý chí phấn đấu, không còn tha thiết với tổ chức đảng.

Việc xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn khó khăn do một số chủ doanh nghiệp và người lao động nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, còn e ngại việc thành lập tổ chức đảng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nguồn kết nạp trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cũng khan hiếm bởi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nên các tổ chức này không tuyển dụng mới công chức, viên chức; số được điều động, luân chuyển cũng hầu hết đã là đảng viên nên nguồn kết nạp Đảng hầu như không còn. Đảng viên mới kết nạp thời gian qua chủ yếu là đoàn viên, giáo viên các trường học trên địa bàn, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ... Tuy nhiên, quần chúng trong lực lượng này cũng đang ngày càng ít khiến nguồn công tác phát triển đảng viên mới của nhiều chi bộ, đảng bộ ngày càng “cạn”.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, phần lớn đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, xin ra khỏi Đảng là những đảng viên đi làm ăn xa. Những đảng viên này tự ý bỏ tham gia sinh hoạt; hoặc đã được cấp ủy cơ sở cho tạm miễn sinh hoạt 1 năm nhưng hết thời hạn trên không báo cáo với chi bộ. Một số khác là đảng viên quân nhân xuất ngũ hoặc sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú. Do việc làm không ổn định, nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều đảng viên trong số này tự ý bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi Đảng hoặc sinh hoạt “điểm danh”. Chưa kể nhiều đảng viên nghỉ hưu, nghỉ mất sức… không làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú, hoặc có làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng nơi đi nhưng không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng nơi đến… Điều này đặt ra vấn đề về sự phối hợp giữa các tổ chức đảng trong quy trình chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên. Còn tình trạng tổ chức đảng nơi đảng viên chuyển đi không viết phiếu báo đảng viên chuyển sinh hoạt đảng; hoặc có phiếu báo nhưng tổ chức đảng nơi đến sau khi tiếp nhận không theo dõi, xử lý kịp thời. Một số cán bộ làm nghiệp vụ công tác đảng không đúng quy trình, thủ tục; các quy định về nơi sinh hoạt Đảng còn nhiều bất cập so với thực tế… cũng là nguyên nhân khiến nhiều đảng viên đi làm ăn xa khó thực hiện nghĩa vụ đảng viên.

Tình trạng “cạn” nguồn kết nạp, đảng viên ra khỏi Đảng tăng đang là nỗi lo của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh. Thực tế đặt ra bài toán khó nhưng buộc phải tìm lời giải bằng những giải pháp phù hợp, hiệu quả, tháo gỡ từng “nút thắt”; bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để Đảng bộ tỉnh vững mạnh từ mỗi chi bộ, đảng viên.

(còn nữa)

Thúy Vân / Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/dang-vien/loi-giai-cho-bai-toan-can-nguon-va-giu-chan-dang-vien-21766
Zalo