Lợi dụng dịch cúm để thổi giá thuốc Tamiflu sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần...
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca).
Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng.
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51440270/df439c8ea8c0419e18d1.jpg)
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của PV, do lo ngại dịch cúm bùng phát sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm, nâng giá thuốc, nhiều người dân tự ý mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A để dự trữ, đề phòng. Nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng tình trạng này để "om hàng", nâng giá thuốc.
Cục Quản lý Dược cho biết, hiện tại các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.
Theo thông tin từ công ty nhập khẩu, với thuốc Tamiflu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp. Công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 hộp.
Thời gian sắp tới, công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.
Cục Quản lý Dược khẳng định, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 02 lần theo quy đinh tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.
Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm.