Lời cảnh báo từ Kà Tinh
Nhà điều hành ở các công trình thủy điện được xây dựng ngay đầu mối công trình, nơi được chủ đầu tư bạt núi để tạo mặt bằng.
Suốt từ hôm sạt lở núi vùi lấp nhà điều hành của thủy điện Kà Tinh (10/10) nằm trên sông Trà Bồng thuộc xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến nay, lực lượng cứu hộ gồm công an, quân đội, có xe múc, xe ủi và cả chó nghiệp vụ hỗ trợ vẫn tiếp tục tìm kiếm người mất tích trong vô vọng.
Cả một ngọn núi với hàng chục ngàn khối bùn đất nhão nhoét đã phủ lên nhà điều hành nằm ngay dưới chân núi thì rất khó để “giải phóng” hết mà tìm người xấu số trong một thời gian ngắn.
Có thể xem đó là lời cảnh báo từ công trình thủy điện này, gửi đến tất cả các chủ đầu tư gồm 33 thủy điện nằm dọc các con sông lớn ở Quảng Ngãi, và cả những con sông lớn ở miền Trung - nơi có độ dốc cực kỳ lớn với hệ thống thủy điện chằng chịt giăng mắc khắp nơi.
Lời cảnh báo đó là gì? Là nếu tiếp tục xây các nhà điều hành theo kiểu tựa lưng vào chân núi ngay đầu mối công trình thủy lợi như thế thì sớm muộn gì bi kịch cũng sẽ xảy ra.
Cách đây hai năm, mùa mưa lũ năm 2020, cả nước đã từng bàng hoàng khi hay tin 13 cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ người bị nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng của Thừa Thiên - Huế đã bị vùi lấp sau cú trượt núi.
Có vẻ như thảm kịch năm đó không đủ lớn để chủ đầu tư các công trình thủy điện rút ra bài học cho mình mà tránh né. Bằng chứng là, các kiểu nhà điều hành vẫn cứ xây ngay chân núi vừa san ủi, như một miếng “mồi ngon” cho các vụ sạt lở mỗi mùa mưa lũ.
Đặc điểm chung của các con sông ở miền Trung là được bắt nguồn từ các dãy núi điệp trùng phía Tây, tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Núi dựng đứng như thế vừa hiểm trở nhưng cũng thuận lợi cho việc ngăn dòng của các nhà máy thủy điện.
Để xây dựng được các nhà máy thủy điện loại vừa và nhỏ này, chủ đầu tư đã san ủi nhiều ngọn núi, hoặc là để chặn dòng, hoặc là để mở đường tập kết vật liệu đến chân công trình.
Các con đường “công vụ” tạm bợ này vô tình trở thành nơi dẫn nước mưa từ các đỉnh núi. Nước đã ngấm vào lòng núi lâu ngày và vỡ ra ngay nơi vừa san ủi. Không phải chỉ xói lở thông thường mà có lúc, cả một ngọn đồi khổng lồ đã bị hỏng chân trượt dài xuống suối, cuốn theo nó tất cả những vật cản trên đường nó đi qua.
Các loại nhà điều hành, dù có vững chắc bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể ngăn được hàng vạn khối đất đá khi chúng “chuyển dời” trong mưa lũ. Nhà điều hành ở các công trình thủy điện này, phần lớn là được xây dựng ngay đầu mối công trình, nơi được chủ đầu tư bạt núi để tạo mặt bằng.
Cứ mỗi khi có lũ lớn, áp lực từ việc tích nước hoặc xả lũ, các chủ đầu tư luôn cho người canh gác tại chỗ các hồ chứa của công trình thủy điện để mở hoặc đóng van phù hợp với tình hình mưa lũ.
Thủy điện Kà Tinh hôm đó có ba người trực nhưng hai người rời khỏi nhà điều hành, chỉ một kỹ sư ở lại. Anh kỹ sư xấu số này đã bị cả một lượng đất đá khổng lồ từ ngọn núi sau nhà vùi lấp.
Đây mới chỉ là khúc dạo đầu của mùa mưa lũ năm nay ở miền Trung. Ngoài Biển Đông đang hình thành một vùng áp thấp. Mưa lại tiếp tục trút xuống vùng đất khó nghèo này. Các nhà điều hành tại những công trình thủy lợi tiếp tục đặt trong tình trạng nguy hiểm.