Lợi bị thâm đen có nguy hiểm không, cách điều trị thế nào?

Nướu hay lợi bị thâm đen có thể do nhiều nguyên nhân. Trong khi nhiều người có lợi màu hồng sẫm hoặc đỏ nhạt thì một số có nướu màu đen hoặc nâu sẫm có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là nếu trước đây lợi của bạn chưa từng có màu thâm đen.

Lợi bị thâm đen được hiểu là tình trạng lợi có màu tím sẫm, tím xanh hoặc nâu (nhạt hoặc đậm) khác với màu lợi bình thường khỏe mạnh là hồng sẫm.

Ngoài lợi chuyển màu thâm đen thì xung quanh tổ chức này có thể có các mảng không đều màu kèm theo sưng viêm, mủ thậm chí đau chảy máu tùy từng nguyên nhân khiến lợi bị thâm đen.

1. Nguyên nhân khiến lợi bị thâm đen

Theo Health lợi bị thâm đen có thể do các nguyên nhân sau đây:

- Đốm sắc tố (Melanotic Macules): Các mảng nhỏ, sẫm màu trên nướu có thể là tổn thương lành tính (không phải ung thư) được gọi là các đốm hắc sắc tố. Xảy ra do tăng sản xuất sắc tố melanin ở vùng nướu, môi dưới hoặc vòm miệng. Các đốm sắc tố có hình bầu dục nhỏ với chiều rộng khoảng 1cm, phẳng, có viền không đều. Đốm hắc sắc tố xuất hiện từ từ và chuyển từ màu nâu nhạt sang nâu sẫm hơn hoặc đen, xám.

Lợi bị thâm đen được hiểu là tình trạng lợi có màu tím sẫm, tím xanh hoặc nâu (nhạt hoặc đậm) khác với màu lợi bình thường khỏe mạnh là hồng sẫm. Ảnh: ST

Lợi bị thâm đen được hiểu là tình trạng lợi có màu tím sẫm, tím xanh hoặc nâu (nhạt hoặc đậm) khác với màu lợi bình thường khỏe mạnh là hồng sẫm. Ảnh: ST

Những tổn thương này là một trong những nguyên nhân khiến lợi đổi màu phổ biến và may mắn là tình trạng này không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho sức khỏe hay các biến chứng liên quan - ngoài việc mất thẩm mỹ có thể khiến bạn tự ti khi giao tiếp.

- U ác tính ở nướu:Trái ngược với các đốm hắc sắc tố do tăng sản xuất melanin nướu thì u ác tính ở miệng là một loại ung thư có thể gây ra các đốm đen nhỏ trên lợi hoặc các vùng mô miệng khác nhau với bờ đốm không đều, màu xám, đỏ hoặc tím đen. Mặc dù nhìn thoáng qua có vẻ giống như các đốm hắc sắc tố nhưng nó lại thay đổi theo thời gian, gây vỡ, sưng và chảy máu.

- Hút thuốc:Người hút thuốc thường có lợi bị thâm đen, còn được gọi là bệnh hắc sắc tố ở người hút thuốc. Người ta ước tính rằng khoảng 22% những người hút thuốc mắc chứng hắc sắc tố do hút thuốc và tình trạng này phổ biến hơn ở nữ giới. Bệnh xảy ra do chất hóa học là nicotine và benzo(a)pyrene trong thuốc lá khiến tế bào hắc sắc tố sản xuất nhiều melanin hơn bình thường. Trong khoang miệng, ngoài lợi bị thâm đen thì các mô miệng khác cũng có thể chuyển màu theo thời gian hút thuốc tăng lên.

Bản thân nướu đen do bệnh hắc sắc tố ở người hút thuốc không gây hại, nhưng việc hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và mắc các bệnh nướu răng.

- Viêm nướu loét hoại tử cấp tính: Là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở lợi với các tổn thương đặc trưng là sự lở loét, hoại tử ở mô lợi do sự bùng phát của các loại vi khuẩn trong miệng (cầu khuẩn, xoắn khuẩn). Khi viêm tiến triển đến giai đoạn nặng mô lợi bị hoại tử phá hủy mô nha chu quanh răng. Điều này khiến màu sắc mô lợi bị thay đổi do mô lợi bị hoại tử, lúc này lợi có màu thâm đen hoặc xám. Các triệu chứng khác kèm theo gồm: Sốt, nôn mửa, mệt mỏi, sưng đau nướu, chảy máu nướu răng, các vết viêm loét dọc theo viền lợi và trên vùng tổn thương có hoại tử của một lớp giả mạc màu trắng được cấu tạo bởi bạch cầu mô hoại tử, hơi thở có mùi hôi, tăng tiết nước bọt, sưng hạch dưới hàm.

Viêm nướu loét hoại tử cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở lợi với các tổn thương đặc trưng là sự lở loét, hoại tử ở mô lợi. Ảnh: ST

Viêm nướu loét hoại tử cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở lợi với các tổn thương đặc trưng là sự lở loét, hoại tử ở mô lợi. Ảnh: ST

-Amalgam Tattoo: Là một dạng tăng hắc sắc tố ở miệng do lắng đọng các hỗn hợp vật liệu nha khoa (bạc, thiếc, thủy ngân, đồng, kẽm) vào mô mềm khoang miệng. Điều này khiến khoang miệng có các mảng màu đen, xanh hoặc xám, bao gồm cả viền nướu, môi, niêm mạc má,...

Theo thời gian, sự đổi màu có thể tăng lên, sẫm màu hơn. Amalgam Tattoo không cần xóa vì không gây ra nguy cơ cho sức khỏe, trừ khi nó khiến bạn tự ti vì thẩm mỹ.

- Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng sắc tố melanin, từ đó khiến lợi bị thâm đen, tím hoặc nâu sẫm chẳng hạn như: Thuốc Minocycline (một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn), thuốc Chlorpromazine (một loại thuốc chống loạn thần được sử dụng để điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực), Ketoconazole (thuốc chống nấm imidazole dùng để điều trị nhiễm nấm), Chloroquine và quinine (thuốc chống sốt rét), thuốc Bleomycin và cyclophosphamide (hóa trị), Zidovudine (thuốc kháng virus được sử dụng để kiểm soát HIV-1).

Việc điều trị nướu bị thâm đen sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân khiến lợi bị thâm đen là bệnh gì (Ảnh: ST)

Việc điều trị nướu bị thâm đen sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân khiến lợi bị thâm đen là bệnh gì (Ảnh: ST)

- Bệnh Addison: Còn gọi là suy tuyến thượng thận, xảy ra khi lớp vỏ của tuyến này bị rối loạn chức năng. Bệnh khiến lợi bị thâm đen hoặc các mô niêm mạc miệng bị sẫm màu hơn kèm theo các triệu chứng khác như: Giảm cân đột ngột, yếu cơ, mệt mỏi mãn tính, chán ăn, đau bụng, hạ huyết áp, hạ đường huyết, sự sẫm màu da ở các nếp gấp da hay ở khuỷu tay, đầu gối, đốt ngón tay và ngón chân. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể khiến cơ thể không hoạt động bình thường và cuối cùng dẫn đến tử vong.

-Hội chứng Peutz-Jeghers: Là một rối loạn hiếm gặp xảy ra do sự đột biến gen STK11. Bệnh đặc trưng bởi các polyp hamartoma trong dạ dày, ruột non, đại tràng và những tổn thương sắc tố da đặc biệt. Cụ thể, bệnh nhân mắc hội chứng Peutz-Jeghers có các đốm sẫm màu mọc rất đặc trưng ở quanh môi, ở trong miệng hay ở tay, chân hoặc mi mắt. Các đốm này phát triển khi còn nhỏ và mờ dần khi vào tuổi dậy thì.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng co thắt hoặc táo bón, chướng bụng, thiếu máu và nôn mửa, vú tăng kích thước (trẻ trai). Nếu bị đau bụng quặn từng cơn, ói nhiều dẫn đến lồng ruột (do polyp làm rối loạn nhu động ruột nên các quai ruột chồng lên nhau) sẽ rất nguy hiểm, cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Ngoài ra, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đường tiêu hóa, tuyến tụy, cổ tử cung, buồng trứng và vú.

2. Lợi bị thâm đen khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Việc điều trị nướu bị thâm đen sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân khiến lợi bị thâm đen là bệnh gì, nếu nguyên nhân là do tổn thương lành tính thì có thể không cần bất kỳ can thiệp điều trị y tế nào. Ngược lại, nếu như tổn thương gây thâm đen nướu gây đau đớn hoặc có nguy cơ phát triển thành ung thư thì có thể cần phải điều trị.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử thăm khám nha khoa, đánh giá triệu chứng lâm sàng, tiền sử sức khỏe bao gồm cả thói quen hút thuốc, lịch sử dùng thuốc men, các kiểm tra đánh giá răng miệng và tổn thương khoang miệng hoặc sinh thiết nếu nghi ngờ nguyên nhân gây thâm đen lợi do ung thư.

Nếu như đột ngột thấy nướu bị thâm đen một mảng hoặc toàn bộ nướu, kèm theo sưng viêm và chảy máu nướu thậm chí răng bị lung lay, đau đớn, hôi miệng thì cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân do đâu.

Để ngăn ngừa tình trạng nướu bị thâm đen, cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt, bỏ hút thuốc lá, kiểm tra răng miệng với bác sĩ nha khoa định kỳ gồm loại bỏ cao răng, phát hiện các bất thường tại khoang miệng.

Châu Anh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/loi-bi-tham-den-co-nguy-hiem-khong-cach-dieu-tri-the-nao-2025041512201239.htm
Zalo