Lời Bác dạy và sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Ngay từ buổi đầu tiên ấy, Người đã tiên đoán: 'Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam'.

Đối với Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Người thường xuyên biểu dương, khích lệ, đánh giá cao vai trò cách mạng to lớn của người lính, đồng thời, thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, sĩ quan Quân đội phải luôn cố gắng, tự sửa chữa khuyết điểm, thiếu sót để không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt. Trong các đợt học tập chính trị, tập huấn cán bộ, tổng kết chiến dịch, gặp gỡ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Quân đội ta, Bác đều chỉ bảo ân tình, phê bình, nhắc nhở để mỗi cán bộ, sĩ quan phải tự sửa chữa những khuyết điểm, làm cho Quân đội ngày một lớn mạnh, trưởng thành.

Một trong những vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ, sĩ quan Quân đội là phải tránh tư tưởng chủ quan, khinh địch, tự kiêu, tự mãn. Bác chỉ rõ, chủ quan là căn nguyên của thất bại, bởi nó khiến cán bộ, sĩ quan đánh giá sai tình hình, không chịu khảo sát thực tế, hành động theo cảm tính. Khinh địch là biểu hiện của sự mất cảnh giác, đặc biệt nguy hiểm trong chiến đấu, bởi khi đánh giá thấp đối phương sẽ dẫn đến chủ quan trong kế hoạch tác chiến và dễ rơi vào thế bị động, bất ngờ. Tự kiêu, tự mãn là biểu hiện của sự thoái hóa, ngăn cản cán bộ, sĩ quan học hỏi, tiếp thu ý kiến đồng đội, xa rời quần chúng và dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền.

Nhiều lần Bác đã thẳng thắn phê phán một bộ phận cán bộ chỉ huy quân sự có thái độ tự kiêu, tự mãn, cho mình là giỏi rồi, không chịu học hỏi thêm, từ đó sinh ra bảo thủ, lạc hậu. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên Giới (còn có tên là Chiến dịch Lê Hồng Phong II), Người nghiêm khắc nhắc nhở: “Chớ chủ quan, khinh địch. Chớ chủ quan tếu, cho rằng từ nay về sau sẽ thắng lợi mãi, không gặp khó khăn thất bại nữa...”. Những chỉ dạy ấy của Người không chỉ là kim chỉ nam cho cán bộ, sĩ quan trong chiến đấu, mà còn là bài học sâu sắc trong công tác xây dựng Quân đội hiện nay.

Chống chủ quan, khinh địch, tự kiêu, tự mãn chính là một phần quan trọng trong việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, sĩ quan Quân đội, tạo tiền đề xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nhiều lần gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, sĩ quan các cấp của Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh và kiên quyết phê phán tư tưởng công thần. Người coi đó là một trong những biểu hiện nguy hiểm dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống, làm tha hóa phẩm chất người quân nhân cách mạng.

Theo Người, tư tưởng công thần là khi cán bộ, sĩ quan cho rằng mình có công lao, thành tích, nên sinh ra kiêu ngạo, đòi hỏi quyền lợi, xem thường tổ chức, coi nhẹ kỷ luật và xa rời quần chúng. Bác từng nói: “Do công thần sinh ra kiêu ngạo, kèn cựa, địa vị. Đảng và Quân đội ta có truyền thống đấu tranh anh dũng; điều đó ta có quyền tự hào. Nhưng tự hào để phát huy truyền thống tốt ấy lên, không phải để vỗ ngực khoe ta có công với kháng chiến, với cách mạng, với nhân dân. Ta nên biết rằng nếu chúng ta tách rời nhân dân, Đảng, Quân đội thì chúng ta không tài nào lập được công trạng gì cả”. Đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với những người sau khi lập được chiến công hoặc có thâm niên công tác lâu năm, bắt đầu sinh ra tâm lý tự mãn, đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi, thậm chí buông lỏng rèn luyện, xa rời tổ chức, làm ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội và niềm tin của nhân dân.

Lịch sử cũng từng ghi nhận một số trường hợp cán bộ sau chiến thắng lớn đã bộc lộ tư tưởng công thần, đòi hỏi cấp bậc, địa vị, không chấp hành mệnh lệnh cấp trên, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ huy tác chiến. Đối với cán bộ, sĩ quan Quân đội hiện nay, việc chống tư tưởng công thần không chỉ là bài học về đạo đức, mà còn là yêu cầu cấp thiết.

Đề cập đến những yếu kém cần khắc phục trong nhân cách của cán bộ, sĩ quan Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiên quyết chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa - một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất, gây tổn hại sâu sắc đến phẩm chất người quân nhân cách mạng và sức mạnh đoàn kết trong Quân đội.

Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là gốc rễ của những biểu hiện tiêu cực như tham lam, ích kỷ, háo danh, kiêu ngạo, bè phái, tranh công đổ lỗi, xem nhẹ lợi ích tập thể và xa rời nhân dân. Một dân tộc, một Đảng, một quân đội mà không có đạo đức thì không thể đứng vững được. Muốn giữ vững đạo đức cách mạng, phải thường xuyên chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc, bởi khi cán bộ, sĩ quan để tư tưởng cá nhân chi phối thì sẽ dễ buông lỏng rèn luyện, tranh thủ quyền lợi riêng, không dám hy sinh, không hết lòng vì nhiệm vụ chung.

Trong thực tế, đã từng có trường hợp cán bộ quân đội thoái hóa, biến chất do chạy theo danh lợi, thậm chí vi phạm kỷ luật, pháp luật, làm tổn hại đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ quân đội phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, lấy chủ nghĩa tập thể, tinh thần phụng sự Tổ quốc và nhân dân làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Đối với cán bộ, sĩ quan ngày nay, việc nhận thức rõ và chống lại chủ nghĩa cá nhân không chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân mà còn là yêu cầu sống còn để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và kỷ luật, giữ vững truyền thống anh hùng và phẩm chất cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các đơn vị Quân đội dịp kỷ niệm 13 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1957).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các đơn vị Quân đội dịp kỷ niệm 13 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1957).

Tác phong du kích, làm việc được chăng hay chớ, thiếu kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ cũng là điều được Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ, sĩ quan Quân đội ta. Theo Người, tác phong du kích tuy phù hợp trong điều kiện chiến tranh du kích, linh hoạt trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng nếu không được điều chỉnh, khắc phục thì sẽ trở thành thói quen tùy tiện, thiếu nguyên tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công việc và sức mạnh của tập thể. Bác từng nghiêm khắc chỉ rõ, có người làm việc đại khái, qua loa, thiếu trách nhiệm, không có kế hoạch, không kiểm tra. Đó là tác phong rất không đúng của người cách mạng.

Trong thời kỳ xây dựng Quân đội chính quy sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã nhiều lần yêu cầu cán bộ, sĩ quan phải thay đổi từ tác phong du kích sang tác phong làm việc khoa học, kế hoạch, có tổ chức và kỷ luật cao. Trong bài nói chuyện với các đơn vị tham dự cuộc duyệt binh ngày 1-1-1955 tại Thủ đô Hà Nội, Người nhấn mạnh: “Từ trước tới nay bộ đội ta còn nhiều tác phong du kích. Bây giờ đổi sang chính quy có nhiều chỗ mới lạ và khó khăn. Phải thấy cái gì khó khăn để khắc phục, không sợ khó khăn. Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội tiến lên chính quy”. Lời dạy này của Người vẫn giữ nguyên giá trị trong tình hình hiện nay, khi Quân đội đang từng bước hiện đại hóa, đòi hỏi mỗi cán bộ, sĩ quan phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, có kế hoạch cụ thể, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ và không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành. Việc khắc phục tác phong du kích không chỉ là đổi mới tác phong công tác mà còn là yêu cầu cấp thiết trong xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật Bác, chúng ta càng nhớ tới những lời chỉ dạy ân cần, sâu sắc của Người. Đó là ngọn đuốc soi sáng, là kim chỉ nam cho tư tưởng, hành động của cán bộ, sĩ quan Quân đội.Được sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân, sự dạy bảo ân cần của Đảng và Bác Hồ, Quân đội ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, liên tục lập nên những chiến công xuất sắc, ghi những trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc. Biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau phấn đấu, hy sinh, xứng đáng với danh xưng thiêng liêng mà nhân dân trao tặng: Bộ đội Cụ Hồ.

Vâng lời Bác dạy, mỗi cán bộ, sĩ quan Quân đội ta phải kiên quyết khắc phục bằng được các khuyết điểm, thiếu sót; gương mẫu đi đầu trong đổi mới phương pháp, tác phong công tác; xứng đáng là lực lượng nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để thỏa lòng mong ước của Bác.

Tiền đồ của Quân đội ta - như Bác đã dự báo trước, đang rất vẻ vang!

Thượng tá, TS NGUYỄN QUANG TẠO, Viện Khoa học xã hội và nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/loi-bac-day-va-su-truong-thanh-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-828557
Zalo