Lộc Bình: Dân 'bất an' sống cạnh 'tử thần'
Năm 2024, tình hình mưa, bão diễn biến phức tạp đã khiến cho một số khu vực tại huyện Lộc Bình bị sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Trước thực tế đó, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các giải pháp để khắc phục sự cố, đảm bảo sự an toàn cho người và tài sản. Tuy nhiên việc triển khai khắc phục còn chậm. Từ đó người dân vẫn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa bão năm 2025 đang đến.
Do ảnh hưởng của mưa, bão, năm 2024, trên địa bàn huyện Lộc Bình xuất hiện 3 điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở rất cao tại khu vực có dân cư sinh sống ở thị trấn Lộc Bình, thị trấn Na Dương và xã Tam Gia, gây nguy hiểm cho 29 hộ dân với 93 nhân khẩu.
Hiểm nguy treo trên đầu
Những ngày giữa tháng 5/2025, chúng tôi có mặt tại điểm xuất hiện sạt lở ở khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình. Nhớ lại cảnh tượng đất đồi sụt lún ngay sát sau ngôi nhà của mình, ông Hoàng Văn Tôn (một trong những hộ dân nằm ở khu vực nguy hiểm sạt lở ở khu Cầu Lấm) chia sẻ: Gia đình tôi sinh sống ở đây khoảng 50 năm. Năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) kèm theo mưa lớn kéo dài, quả đồi cao sát phía sau nhà tôi xuất hiện tình trạng đất trượt xuống hơn 1m, một số hộ đã bị hư hỏng công trình phụ, tường rào. Ngay khi phát hiện nguy hiểm, gia đình tôi cùng các hộ trong khu vực sạt lở đã được các lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn.

Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình trao đổi với phóng viên về phương án khắc phục tại điểm sạt lở khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình
Tương tự, do ảnh hưởng của mưa, bão năm 2024 gây ra tình trạng sạt lở, nguy cơ sạt lở rất cao ở khu vực đồi có một số hộ dân ở khu 8+10, thị trấn Na Dương và thôn Còn Chè, xã Tam Gia sinh sống. Ngay khi phát hiện tình trạng lở và nguy cơ sạt lở cao, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn.
Trước tình trạng sạt lở và nguy cơ cao sạt lở ở 3 điểm trên địa bàn huyện Lộc Bình như vậy, UBND tỉnh đã có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở tại xã Tam Gia (tháng 7/2024) và thị trấn Lộc Bình, Na Dương (tháng 1/2025). Trong đó chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai khắc phục vẫn còn chậm khiến người dân lo lắng.
Ông Nông Văn Viên, người dân sinh sống ở điểm sạt lở khu 8+10, thị trấn Na Dương chia sẻ: Năm 2024, trước những nguy hiểm rình rập từ quả đồi bị nứt phía sau nhà, gia đình tôi đã di chuyển sang nhà văn hóa của khu để sinh sống 1 tháng. Sau khi thời tiết thuận lợi, mặc dù biết còn nguy hiểm nhưng cảnh sống tạm bợ khó khăn, gia đình tôi chuyển dần đồ đạc về nhà sinh sống. Từ đầu tháng 5/2025 đến nay, trong tỉnh xuất hiện nhiều trận mưa lớn, gia đình tôi lại thấp thỏm cả đêm không ngủ. Những lúc yên tĩnh hơn, gia đình tôi vẫn nghe được tiếng những viên đất nhỏ lăn từ trên đồi xuống. Từ đó lại càng khiến gia đình lo lắng hơn.

Vị trí điểm nứt ( đứt gãy địa chất) tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình
Tương tự ở thị trấn Na Dương, những cơn mưa trong tháng 5 này cũng khiến cho người dân ở điểm sạt lở khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình cũng lo lắng đến mất ngủ. Ông Hoàng Văn Tôn, khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình cho biết: Nửa tháng nay, gia đình tôi cùng các hộ dân ở khu vực sạt lở rất vui mừng vì cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp khắc phục sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm, khu vực sạt lở đang được đào, xúc đất dang dở tiềm ẩn nguy hiểm mỗi khi có mưa. Gia đình tôi cũng như các hộ dân khác mong từng ngày, từng giờ dự án khắc phục sớm hoàn thành để người dân ổn định cuộc sống.
Có lẽ không chỉ các hộ dân kể trên mà hầu hết các hộ dân ở điểm sạt lở trên địa bàn huyện Lộc Bình đều có chung nỗi lo khi mùa mưa bão đang đến. Thế nhưng, ngoài 3 phần lo lắng, người dân còn 7 phần mong ngóng các cấp, ngành liên quan nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục.
Cần nhanh chóng khắc phục
Ngay khi xuất hiện sạt lở, nguy cơ sạt lở, các cấp, ngành liên quan và người dân ở 3 điểm sạt lở trên địa bàn huyện Lộc Bình đã nhanh chóng triển khai các biện pháp trước mắt để ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân. Song hiện nay, điều người dân mong ngóng nhất chính là ổn định cuộc sống lâu dài.
Trước nguyện vọng chính đáng đó của người dân, các cấp, ngành liên quan cũng đã triển khai từng bước để khắc phục như ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai sạt lở; kiểm tra, đánh giá, xây dựng phương án khắc phục; ban hành lệnh xây dựng khẩn cấp khắc phục xây dựng thiên tai sạt lở; bố trí nguồn lực thực hiện… Tuy nhiên mùa mưa bão năm 2025 đang đến, song việc triển khai còn chậm.

Nhiều vị trí điểm nứt (đứt gãy địa chất) tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình có chiều rộng lên đến 25 cm
Sau khi có chỉ đạo cũng như thực hiện các thủ tục liên quan, đến cuối tháng 4/2025, công trình khắc phục thiên tai sạt lở đất tại khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình mới được triển khai thực hiện. Trong đó, các hạng mục thi công khắc phục gồm: thu hồi và đào hót đất sạt, xây dựng kè rọ đá chắn đất tại chân ta luy, trồng cỏ gia cố mái taluy trên kè, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước bằng bê tông. Việc triển khai chậm là do vướng mắc một số thủ tục, thực hiện các bước chuẩn bị mặt bằng liên quan đến 17 hộ dân và thời tiết mưa ảnh hưởng đến tiến độ thi công...
Đến chiều ngày 19/5/2025, chúng tôi trực tiếp có mặt tại công trình thi công khắc phục sạt lở tại khu Cầu Lấm. Ghi nhận thực tế tại khu vực công trình, đơn vị thi công đã đào, hót đất sạt lở. Tuy nhiên tại công trình thời điểm đó chỉ có 1 máy xúc nhưng không có người thi công. Theo đại diện chủ đầu tư, do mấy hôm nay thời tiết mưa dẫn tới đơn vị thi công phải tạm ngừng. Ông Vi Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình cho biết: Ban đầu, công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2025 tuy nhiên với tiến độ và thời tiết như hiện tại, dự kiến đến giữa tháng 6/2025 công trình mới hoàn thành.
Như vậy tiến độ công trình khắc phục thiên tai sạt lở đất tại khu Cầu Lấm không chỉ chậm so với mong mỏi của người dân mà còn chậm so với tiến độ đề ra. Thế nhưng, dù chậm nhưng vẫn nhanh hơn tiến độ khắc phục 2 điểm sạt lở ở thị trấn Na Dương và xã Tam Gia.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, việc triển khai dự án khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn huyện (dự án Thu hồi đất và tái định cư cho 10 hộ gia đình Khu 8+10, thị trấn Na Dương và 11 gia đình thôn Còn Chè, xã Tam Gia nằm trong vùng sạt lở phải di dân do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình làm chủ đầu tư.
Ngày 4/4/2025, UBND huyện Lộc Bình có Quyết định số 739/QĐ-UBND về việc điều chuyển chủ đầu tư thực hiện các công trình khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Lộc Bình (dự án Thu hồi đất và tái định cư cho 10 gia đình Khu 8+10, thị trấn Na Dương và 11 gia đình thôn Còn Chè, xã Tam Gia nằm trong vùng sạt lở phải di dân) sang Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện.
Để nắm bắt tiến độ triển khai thực hiện dự án, chiều 19/5/2025, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện Lộc Bình. Sau khi trao đổi nội dung công việc, được sự giới thiệu của lãnh đạo văn phòng, chúng tôi chủ động liên lạc với ông Hoàng Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Lộc Bình để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại, ông Hiền cho biết "hiện đang bận". Khi phóng viên đề xuất đặt lịch hẹn làm việc với thời gian khác, ông Hiền không nhận lời và khẳng định không hẹn trước thời gian để làm việc với phóng viên. Còn về dự án thì hiện đang trong khâu thiết kế và thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, chưa triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Năm 2024, mưa bão đã gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất vào giữa tháng 5/2025, mưa lũ, sạt lở đất tiếp tục gây thiệt hại về người và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Mùa mưa bão năm 2025 đang đến, hơn ai hết, người dân sinh sống ở 3 điểm sạt lở nêu trên ở huyện Lộc Bình đang mong ngóng từng ngày, từng giờ các dự án kè hoặc tái định cư nhanh chóng được triển khai thực hiện. Từ đó, các cấp, ngành liên quan cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khắc phục sạt lở để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.