Loạt trường khối ngành Kinh tế chốt phương án tuyển sinh 2025

Các trường đại học khối ngành Kinh tế bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Học viện Ngân hàng dự kiến trường tuyển khoảng 3.600 sinh viên, tăng hơn 100 so với năm ngoái. Các phương thức tuyển sinh được giữ ổn định, gồm: xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả học tập THPT (20%), xét chứng chỉ quốc tế (15%), kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (20%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (45%).

Ở phương thức xét học bạ THPT, thí sinh cần có học lực giỏi năm lớp 12, trung bình cộng ba năm của từng môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 8 điểm trở lên.

Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế, ngoài điều kiện về học bạ như trên, thí sinh cần có một trong các chứng chỉ: SAT từ 1200 điểm trở lên, IELTS từ 6.0 trở lên, TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên. Điểm xét tuyển = Điểm chứng chỉ quốc tế quy đổi × 3 + Điểm ưu tiên.

Bảng quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế Học viện Ngân hàng.

Bảng quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế Học viện Ngân hàng.

Với phương thức dựa vào các kỳ thi đánh giá năng lực, Học viện Ngân hàng sử dụng điểm thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT và kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA). Thí sinh có thể nộp hồ sơ nếu đạt điểm HSA từ 85 trở lên và V-SAT ba môn thuộc tổ hợp từ 300 trở lên.

Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT, thí sinh cần có tổng điểm thi THPT 2025 của các môn thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng chung (năm 2024 là 21 điểm).

Năm nay, trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.150 chỉ tiêu (tăng 20 chỉ tiêu so với năm ngoái) ở cả 3 cơ sở Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh. Trường giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển như năm trước, gồm:

- Xét học bạ áp dụng cho ba nhóm thí sinh, gồm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên.

Học sinh có thể sử dụng tổng điểm trung bình trong 6 học kỳ của ba môn trong tổ hợp; hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Khi xét kết hợp, điểm của chứng chỉ sẽ được quy đổi, thay thế môn tiếng Anh. Điều kiện cụ thể với từng nhóm thí sinh khác nhau, song một số yêu cầu chung là IELTS tối thiểu 6.5 (xét kết hợp), tổng ba môn thi tốt nghiệp từ 24 trở lên.

- Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Thí sinh có thể dùng riêng điểm thi, hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều kiện về điểm IELTS và các chứng chỉ khác tương đương xét học bạ.

- Xét bằng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế. Đại học Ngoại thương dùng kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Với chứng chỉ quốc tế, trường vẫn dùng SAT, ACT và A-Level.

- Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Nhiều trường đại học khối ngành Kinh tế chốt phương án tuyển sinh 2025. (Ảnh minh họa)

Nhiều trường đại học khối ngành Kinh tế chốt phương án tuyển sinh 2025. (Ảnh minh họa)

Đại học Kinh tế TP.HCM thông báo tuyển gần 8.600 sinh viên ở hai cơ sở TP.HCM và Vĩnh Long trong năm 2025. Khoảng một nửa chỉ tiêu được trường dành để tuyển bằng học bạ. Điều kiện là thí sinh có điểm trung bình tổ hợp môn xét tuyển trong ba năm THPT từ 6.5 trở lên.

Ngoài ra, thí sinh được cộng điểm, nếu có một trong những tiêu chí sau: chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 trở lên; đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh; học sinh giỏi, xuất sắc suốt 3 năm THPT; học sinh trường chuyên, năng khiếu (bảng quy đổi điểm cộng chưa được trường công bố cụ thể).

Trường cũng dành 10-20% chỉ tiêu để xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức và kỳ thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT do trường Đại học Cần Thơ tổ chức (áp dụng riêng cơ sở Vĩnh Long). Ở phương thức này, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 trở lên cũng được cộng thêm điểm.

Số chỉ tiêu còn lại, Đại học Kinh tế TP HCM xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo. Trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển chính, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xét tuyển kết hợp.

Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường tuyển theo bốn tổ hợp, gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh) và không có chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp xét tuyển.

Năm nay, trường tuyển hai chương trình mới là Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế. Ngưỡng đầu vào dự kiến với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 là 20, đã bao gồm điểm ưu tiên.

Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển sinh 5.020 chỉ tiêu cho 45 chương trình đào tạo bao gồm: 27 chương trình chuẩn; 2 chương trình song bằng quốc tế; 15 chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và 1 chương trình tiên tiến.

Cũng trong năm 2025, nhà trường mở 7 chương trình mới thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc).

Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) không còn xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh). Trường dùng hai tổ hợp truyền thống là A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), D01 (Toán, tiếng Anh, Ngữ văn), bổ sung thêm hai tổ hợp mới gồm Toán, tiếng Anh, Tin học và Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Về phương thức tuyển sinh, trường dự kiến sử dụng 3 phương thức chính, gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% chỉ tiêu), xét điểm thi đánh giá năng lực (tối đa 40-60%) và điểm thi tốt nghiệp THPT (tối đa 30-50%).

Trường Đại học Tài chính - Marketing mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm. Chỉ tiêu của trường là 4.350 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024). Các phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm trước.

Trường dự kiến chú trọng 2 môn chính là Toán, Ngữ văn. Các tổ hợp xét tuyển của trường sẽ hỗ trợ cho thí sinh, lấy trên tổng số 9 môn học thích ứng với các môn mà các học sinh đã lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Công Thương TP.HCM dự kiến dành 15-20% chỉ tiêu để xét điểm học bạ (tổng điểm ba môn tổ hợp ở lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12), giảm 10% so với năm nay. 50-60% chỉ tiêu sẽ được dành để để xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tương đương những năm gần đây.

Phần còn lại, trường dự kiến xét bằng điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Sư phạm TP.HCM.

Kim Nhung

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/loat-truong-khoi-nganh-kinh-te-chot-phuong-an-tuyen-sinh-2025-ar926116.html
Zalo