Loạt trường đại học đồng loạt 'nhích' học phí cho năm học 2025-2026
Mùa tuyển sinh đại học năm học 2025-2026 đang đến gần, và cùng với đó, thông tin về mức học phí mới của các trường cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của thí sinh và phụ huynh.
Theo thông báo từ các trường, mức tăng học phí có sự khác biệt tùy thuộc vào từng trường, từng chương trình đào tạo.
Dưới đây là bảng tổng hợp học phí dự kiến áp dụng cho năm học 2025-2026 của một số trường đại học tại Hà Nội:

Qua bảng số liệu có thể thấy, hầu hết các trường đều có sự điều chỉnh tăng học phí ở các chương trình đào tạo chuẩn, tuy nhiên mức tăng thường không quá lớn.
Đáng chú ý, sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn thường rơi vào các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế, chương trình định hướng nghề nghiệp hoặc các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Tình trạng tăng học phí không chỉ diễn ra tại các trường đại học ở Hà Nội. Một số trường đại học khu vực phía Nam cũng đã thông báo về việc điều chỉnh học phí cho năm học 2025-2026. Đáng chú ý, một số chương trình đào tạo quốc tế tại các trường phía Nam có mức học phí rất cao, thậm chí lên tới 900 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) áp dụng mức học phí thấp nhất 30 triệu đồng/năm, cho các chương trình đào tạo hệ tiêu chuẩn, hệ tài năng và kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp. Với chương trình chuyển tiếp quốc tế (Australia, Mỹ, New Zealand), đào tạo 15 ngành, chuyên ngành, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, học phí 2 - 2,5 năm đầu khoảng 80 triệu đồng/năm; 2-2,5 năm cuối chuyển tiếp sang đại học đối tác, học phí khoảng 560-900 triệu đồng/năm. So với năm 2024, mức học phí của chương trình chuyển tiếp quốc tế tăng từ 28-101 triệu đồng/năm (năm 2024 là 532-799 triệu đồng/năm).
Trường Đại học Công Thương TP.HCM, học phí năm nay sẽ được điều chỉnh tối đa 10% so với mức học phí của khóa 2024-2028. Cụ thể, mức học phí tối đa cho khóa 2025-2029 dự kiến tối đa khoảng 132 triệu đồng cho toàn khóa (các khoa có thể ít hơn, do số tín chỉ thực hành ít) tăng khoảng 12 triệu đồng so với khóa trước.
Trường Đại học Sài Gòn dự kiến điều chỉnh học phí có ngành tăng 1,5 lần so với các khóa trước đó. Đa số các ngành năm trước có học phí 65,8-70,1 triệu đồng/khóa, chất lượng cao từ 109-114 triệu đồng/khóa 4 năm. Năm nay, học phí các ngành này từ 92-129 triệu đồng/khóa.
Lý giải cho việc tăng học phí, nhiều trường đại học cho biết đây là một phần trong lộ trình thực hiện tự chủ tài chính, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi và mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đề xuất tính học phí đại học công lập theo thu nhập bình quân đầu người
Vấn đề học phí là một trong 20 nội dung được Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi trong Luật Giáo dục Đại học 2018.
Điểm đáng chú ý là đề xuất trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc quyết định mức học phí, song song với việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường công lập, Bộ GD&ĐT đề xuất áp dụng mức trần học phí không quá 50% thu nhập bình quân đầu người.
Theo Bộ, tự chủ học phí là một phần quan trọng để các trường nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý về việc cần có giới hạn phù hợp để bảo vệ người học, nhất là tại các trường công lập, trong bối cảnh hiện chưa có quy định rõ ràng về mức trần học phí so với thu nhập của người dân.