Loạt trụ cột nhóm VN30 tăng mạnh, FPT hồi phục trở lại sau phiên bán tháo

Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong khoảng thời gian cuối phiên. Sắc xanh có phần trội hơn với số lượng mã chứng khoán tăng giá cao hơn đáng kể.

Sau phiên giảm hôm qua, bước sang phiên giao dịch ngày 17/4 cũng là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phản ánh tâm lý thận trọng cao độ của nhà đầu tư, đặc biệt trước diễn biến kém tích cực từ thị trường quốc tế. Tâm lý phòng thủ khiến thị trường mở cửa trong trạng thái giằng co, dao động hẹp với thanh khoản sớm có sự cải thiện, cho thấy xuất hiện dòng tiền thăm dò bắt đáy nhưng chưa đủ mạnh để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt.

Sự phân hóa xuất hiện sớm nhưng phần nghiêng về bên giảm giá, dù biên độ giảm không lớn. Thị trường duy trì trạng thái lình xình trong phần lớn thời gian giao dịch buổi sáng, trước khi chịu sức ép mạnh hơn ở nửa sau phiên. Áp lực này khiến chỉ số chính có thời điểm xuyên thủng mốc tâm lý quan trọng, nhưng lực cầu hỗ trợ nhanh chóng được kích hoạt, giúp thị trường thu hẹp phần nào mức giảm vào cuối phiên sáng.

Sang đến phiên chiều, giao dịch có phần tích cực hơn khi số mã tăng nhiều dần lên và trở nên áp đảo sao với bên giảm giá. Biến động mạnh của thị trường diễn ra kể từ khoảng thời gian gần 14h15. Từ 14h15 đến 14h45 là thời gian xác định giá thanh toán cuối cùng của chỉ số VN30. Nhiều cổ phiếu lớn hồi phục tốt và giúp kéo VN-Index lên trên mốc tham chiếu, thậm chí chỉ số này còn đóng cửa ở mức cao nhất phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.217,25 điểm, tương ứng tăng 6,95 điểm (0,57%). HNX-Index tăng 0,17 điểm (0,08%) lên 209,58 điểm. UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (0,15%) lên 90,53 điểm.

Toàn thị trường có 421 mã tăng, 299 mã giảm và 853 mã đứng giá/không giao dịch. Trên ba sàn vẫn ghi nhận 28 mã tăng trần trong khi có 8 mã giảm sàn.

Top cổ phiếu tác động đến VN-Index.

Top cổ phiếu tác động đến VN-Index.

Các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 phiên hôm nay góp công lớn trong việc giúp VN-Index bật tăng vào cuối phiên. Trong đó, VIC tăng đến gần 4,6% và đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 2,8 điểm. Biên độ của VIC trong phiên hôm nay là khá lớn. Cổ phiếu này có thời điểm giảm 1% sau đó đóng cửa với mức tăng cao nhất phiên 71.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, các mã như LPB, GVR, FPT… đều tăng giá tốt và cũng góp phần củng cố sắc xanh của VN-Index.

FPT hồi phục trở lại sau phiên bán tháo hôm qua. Chốt phiên, FPT tăng 1,4% lên 109.400 đồng/cổ phiếu. Ngay đầu phiên hôm nay, trên thị trường xuất hiện thông tin Công ty cổ phần chứng khoán FPT (FPTS) thông báo về việc tạm dừng cho vay giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán FPT. Tỷ lệ sức mua của cổ phiếu FPT được FTPS hạ từ 50% xuống 0%. Lý do được FPTS đưa ra là công ty đã hết hạn mức cho vay đối với mã chứng khoán FPT.

Ở hướng ngược lại, VCB, VPB, SAB, VIB và BID là các cổ phiếu hiếm hoi giảm giá trong nhóm VN30. VCB giảm mạnh 2% và là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất cho VN-Index với 2,39 điểm. VPB giảm 1,5% và cũng lấy đi 0,47 điểm của chỉ số này.

Bên ngoài nhóm VN30, HVN bật tăng mạnh đến 6,5% và đứng thứ 2 về mức độ tác động tích cực đối với VN-Index. Một số cổ phiếu cùng “họ” như GEX hay GEE cũng tăng rất mạnh. GEE được kéo lên mức giá trần, trong khi GEX tăng đến hơn 5,6%.

Một số các cổ phiếu bất động sản như DXS, DIG, HDG… cũng tăng giá khá tốt ở phiên hôm nay.

Khối ngoại bán ròng thỏa thuận lượng lớn cổ phiếu Vingroup.

Khối ngoại bán ròng thỏa thuận lượng lớn cổ phiếu Vingroup.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt gần 808 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 21.614 tỷ đồng, tăng 11% so với phiên trước. Tuy nhiên, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, giá trị giảm 12,7% xuống còn 15.731 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 874 tỷ đồng và 445 tỷ đồng.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng tới 4.550 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VIC với 4.446 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận. VNM đứng sau với giá trị bán ròng hơn 120 tỷ đồng. Trong khi đó, ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với 117 tỷ đồng. Dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FPT vẫn đứng đầu trong danh sách bán ròng với giá trị bán ròng gần 8.600 tỷ đồng. Ngoài FPT, một số cổ phiếu cũng được giải ngân mua vào khá tốt như VCI (108 tỷ đồng), MWG (79 tỷ đồng),VHM (63 tỷ đồng)…

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loat-tru-cot-nhom-vn30-tang-manh-fpt-hoi-phuc-tro-lai-sau-phien-ban-thao-d268998.html
Zalo