Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...
Một con cá ngừ vây xanh tại Nhật Bản được 'chốt giá' hơn 1,3 triệu USD
Ngày 5/1, phiên đấu giá đầu tiên trong năm mới được tổ chức tại chợ Toyosu, quận Koto, Tokyo, nơi một con cá ngừ vây xanh được “chốt” với giá cao nhất là 207 triệu yen (khoảng 1,32 triệu USD).
Đây là mức giá cao gấp đôi so với năm trước và là mức cao thứ hai trong lịch sử.
Con cá ngừ vây xanh (bluefin tuna) trên có trọng lượng 276 kg được đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi Oma, tỉnh Aomori. Đây là năm thứ 14 liên tiếp cá ngừ vây xanh được đánh bắt tại vùng biển này trở thành “nhất phẩm cá ngừ” và cũng là năm thứ 5 liên tiếp công ty trung gian Yamayuki thắng thầu phiên đấu giá đầu năm.
Phát biểu sau phiên đấu giá, ông Yamaguchi Yukitaka, Chủ tịch Yamayuki cho biết: “Đây là sản phẩm được một ngư dân có nhiều kinh nghiệm ở Oma đánh bắt. Con cá ngừ đã đạt đến sự hoàn hảo cả về kích thước lẫn độ tươi ngon và độ béo”.
207 triệu yen cho một con cá ngừ vây xanh là mức giá cao thứ hai kể từ năm 1999 khi các số liệu thống kê được ghi nhận, chỉ đứng sau mức kỷ lục 333,6 triệu yen tại phiên đấu giá năm 2019. So với giá 114,24 triệu yen vào năm ngoái, giá năm nay đã tăng gấp đôi.
Ông Kotaka Katsutoshi, Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Ngư nghiệp Oma, chia sẻ: “Đây là kết quả ngoài mong đợi. Mở đầu thuận lợi này sẽ là động lực lớn cho các ngư dân địa phương tiếp tục phát triển nghề đánh bắt cá truyền thống”.
Dự tính, con cá ngừ này có giá khoảng 750.000 yen/kg và khi tính thành sushi, mỗi phần sẽ có giá khoảng 30.000 yen (khoảng 190 USD). Cá ngừ sẽ được cung cấp tại các nhà hàng sushi Ginza Onodera ở Tokyo, Osaka, Los Angeles và Hawaii.
Nguồn cá ngừ vây xanh đang có dấu hiệu phục hồi và từ năm 2025, hạn ngạch đánh bắt ở vùng biển gần Nhật Bản sẽ tăng 50% so với năm trước.
Ông Hayama Toyomi, Giám đốc Hiệp hội các công ty trung gian chợ cá Tokyo, bày tỏ hy vọng rằng năm 2025 cũng sẽ tràn ngập cá ngừ tại các phiên đấu giá.
Thông thường, giá một con cá ngừ vào mùa Đông tại chợ đấu giá Toyosu dao động từ 1 - 1,5 triệu yen, nhưng trong các phiên đấu giá đầu năm, các công ty trung gian thường đưa ra mức giá cao với hy vọng kinh doanh phát đạt trong năm mới.
Trong giới tài chính, mối liên hệ giữa giá cá ngừ đầu năm và chỉ số Nikkei cũng được chú ý. Theo một số phân tích, giá cao trong các phiên đấu giá đầu năm như năm 2013, 2017 và 2019 trùng hợp với sự tăng trưởng của chỉ số Nikkei. Năm 2024, cá ngừ Oma được bán với giá hơn 100 triệu yen sau 4 năm, và chỉ số Nikkei tăng 19% kể từ đầu năm, mặc dù không đạt mức tăng 28% của năm 2023.
Ngành đánh bắt cá ngừ mùa Đông là cuộc chiến khắc nghiệt với thiên nhiên và giá cả trong các phiên đấu giá đầu năm phụ thuộc nhiều vào chất lượng cá được cung cấp.
Ngoài ra, với việc các công ty trung gian mua cá dựa trên đơn đặt hàng từ nhà hàng và cửa hàng bán lẻ, phiên đấu giá đầu năm cũng là một chỉ dấu quan trọng giúp nhìn nhận về xu hướng tiêu dùng của người dân Nhật Bản trong thời gian tới.
Số ca sinh tại Hàn Quốc lần đầu tăng sau gần một thập kỷ
Hàn Quốc có hơn 242.000 trẻ sơ sinh chào đời năm 2024, lần đầu tăng kể từ 2015, trong bối cảnh quốc gia nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh.
Bộ Nội vụ Hàn Quốc thông báo quốc gia trong năm 2024 ghi nhận 242.334 trẻ sơ sinh chào đời, tăng gần 7.300 trẻ so với năm 2023, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ năm 2015.
Hàn Quốc ghi nhận 360.757 ca tử vong trong năm 2024, khiến tổng dân số giảm năm thứ 5 liên tiếp. Dân số Hàn Quốc hiện là 51,2 triệu người.
Dù dân số giảm, việc số lượng trẻ em chào đời hàng năm tăng được kỳ vọng là dấu hiệu cải thiện tỷ lệ sinh của đất nước.
Hàn Quốc là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, ở mức 0,72 năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo 2,1 để đảm bảo dân số ổn định.
Điều này dẫn đến những dự báo Hàn Quốc có thể giảm một nửa dân số vào cuối thế kỷ 21.
Giới chức đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, coi đây là rủi ro hàng đầu đối với kinh tế, xã hội.
Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai một loạt biện pháp đối phó giảm tỷ lệ sinh, từ mở rộng hỗ trợ tài chính sinh con, các dịch vụ chăm sóc trẻ em cho đến tăng quyền lợi cho các cặp vợ chồng sinh nhiều con.
Một trong những chính sách đáng chú ý được triển khai trong năm nay là tăng hạn mức lương nghỉ phép chăm sóc con lên 2,5 triệu won (1.700 USD) một tháng, so với 1,5 triệu won trước đó.
Dù số ca sinh tăng mang lại tia sáng cải thiện suy giảm dân số, xã hội Hàn Quốc vẫn tiếp tục già đi. Độ tuổi trung bình của người Hàn Quốc năm 2024 là 45,3 tuổi, tăng so với 44,8 vào năm 2023.
Tháng 12/2024, chính phủ Hàn Quốc cho biết quốc gia này đã trở thành xã hội siêu già, tức có hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Cục Thống kê Hàn Quốc dự đoán độ tuổi trung bình của người dân nước này sẽ vượt 50 tuổi vào năm 2035 và 55 tuổi vào năm 2049.
Indonesia sắp mở chương trình khám sức khỏe miễn phí toàn dân
Indonesia sẽ triển khai chương trình khám sức khỏe miễn phí từ tháng 2, áp dụng cho toàn dân và tập trung phát hiện bệnh theo lứa tuổi.
"Chương trình này nằm trong Kế hoạch Kết quả Nhanh và Tốt nhất (PHTC) do Tổng thống Prabowo Subianto đề xuất và sẽ thực thi trong năm 2025", phát ngôn viên văn phòng truyền thông Tổng thống Indonesia Dedek Prayudi ngày 3/1 cho hay.
Chương trình Khám Sức khỏe Miễn phí bắt đầu từ tháng 2, triển khai theo các giai đoạn. Trong năm nay, chương trình đặt mục tiêu khám cho 60 triệu người, chi phí là khoảng 300 triệu USD lấy từ ngân sách nhà nước 2025. Trong 5 năm tới, chương trình sẽ tiếp cận khoảng 200 triệu người.
Với trẻ trong độ tuổi tập đi, ông Prayudi nhấn mạnh chương trình sẽ tập trung vào xác định các bệnh rối loạn bẩm sinh như suy giáp. Phát hiện sớm bệnh tật ở độ tuổi này giúp ngăn ngừa nguy cơ chậm phát triển trí tuệ.
Với thanh thiếu niên, chương trình tập trung vào sàng lọc các bệnh béo phì, tiểu đường và răng miệng, những vấn đề thường bắt đầu phát sinh ở độ tuổi này.
"Khám sức khỏe giúp phát hiện sớm các vấn đề như suy dinh dưỡng, thiếu máu, thính lực kém, suy giảm thị lực", ông Prayudi nói thêm.
Đối với người trưởng thành, chương trình tập trung sàng lọc các bệnh ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, phổi và đại tràng. Người cao tuổi sẽ được sàng lọc kỹ các bệnh tim mạch, các bệnh liên quan đến tuổi tác.
"Người dân có thể tới các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất, xuất trình căn cước công dân để được kiểm tra miễn phí", ông Prayudi nói. "Chi phí khám bệnh sẽ rất lớn nếu người dân phải tự trả tiền. Với chương trình miễn phí này, họ sẽ biết cách duy trì lối sống lành mạnh, làm việc hiệu quả và đem lại thịnh vượng cho tương lai của gia đình và đất nước".
Bé trai sống sót sau 5 đêm lạc trong khu vực có sư tử, hà mã
Bé trai Tinotenda Pudu sống sót và được tìm thấy sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã có nhiều loài nguy hiểm như sư tử và hà mã.
Bé trai Tinotenda Pudu, 7 tuổi, đi lạc vào khu dành cho động vật hoang dã ở công viên Matusadona và trải qua nhiều ngày sống giữa các loài vật như voi, sư tử.
Quản lý công viên Matusadona cho biết, Pudu đi lạc cách nhà khoảng 48 km, tự sinh tồn suốt 5 đêm trước khi được các kiểm lâm viên tìm thấy.
Theo nghị sĩ Murombedzi, bé trai sống sót nhờ sự hiểu biết về thiên nhiên hoang dã và có kỹ năng sinh tồn. Trong thời gian đi lạc, cậu bé ăn trái cây và đào sâu xuống lòng sông khô cạn để tìm nước.
Người dân trong cộng đồng Nyaminyami địa phương đã tự tổ chức tìm kiếm Pudu và đánh trống mỗi ngày với hy vọng cậu bé tìm được đường về nhà. Lực lượng kiểm lâm đã lần theo những dấu chân nhỏ và tìm thấy cậu bé.
Công viên Matusadona có diện tích khoảng 1.400 km2 và là nơi sinh sống của các loài như sư tử, hà mã và voi, tất cả đều có thể đe dọa tính mạng con người. Nơi đây hiện có khoảng 40 con sư tử.
Nghị sĩ Murombedzi ca ngợi các kiểm lâm viên và cộng đồng địa phương đã nỗ lực tìm kiếm Pudu, gọi sự trở về an toàn của cậu bé là "minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, hy vọng, cầu nguyện và không bao giờ bỏ cuộc".