Loạt giải pháp nhằm giảm chi tiền túi cho khám chữa bệnh
Tỉ lệ chi từ tiền túi cho khám chữa bệnh chiếm hơn 43%. Bộ Y tế đề xuất mở rộng nhiều quyền lợi cho người bệnh BHYT để tỉ lệ này giảm còn dưới 30%
Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023; việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023 tại Bộ Y tế.
180 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT mỗi năm
Theo kết quả kiểm tra, nhiều khoản thu của bệnh nhân chưa đúng quy định: Một số đơn vị chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ khám chữa bệnh đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu.
Ngoài ra, một số dịch vụ y tế xây dựng giá có một số danh mục thuốc, chi phí đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh được BHXH chi trả nhưng cơ sở khám chữa bệnh vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân; áp giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa chính xác...
Theo thống kê, tỉ lệ bao phủ BHYT hiện đạt 93% dân số. Độ bao phủ BHYT những năm qua ngày càng tăng và tiệm cận BHYT toàn dân. Trung bình mỗi năm có khoảng 180 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT- tương ứng khoảng 50 triệu người đi khám chữa bệnh trong năm.
Tỉ lệ chi tiền của cá nhân người sử dụng dịch vụ y tế vẫn hiện ở mức khá cao, hơn 43% trong khi mục tiêu hướng tới là dưới 30%.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT hiện khá toàn diện với hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn. Cùng đó, danh mục thuốc BHYT với trên 1.000 hoạt chất, tân dược và hàng trăm vị thuốc đông y, thuốc dược liệu.
Tuy nhiên, các dịch vụ phòng ngừa cá nhân như: Khám bệnh, phát hiện nguy cơ, chẩn đoán, điều trị sớm, ngăn ngừa tiến triển bệnh tật, bệnh mạn tính, phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, điều trị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động tại nơi làm việc... hiện chưa thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.
Một số dịch vụ, sản phẩm cần thiết dùng trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh chưa được thanh toán, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe còn cao.
Tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang được lấy ý kiến đề xuất loạt phương án giảm chi tiền túi cho người bệnh BHYT. Trong đó, mở rộng phạm vi BHYT đối với các hoạt động khám, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh; bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Đề xuất quỹ BHYT thanh toán cho việc điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt mở rộng đến bệnh nhân BHYT dưới 18 tuổi thay vì dưới 6 tuổi như trước đây. Bởi hiện nay, các trường hợp học sinh dưới 18 tuổi bị cận thị và tật khúc xạ ngày càng tăng cao và trở thành nhóm đối tượng chính đủ điều kiện can thiệp các tật về mắt...
Bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc, để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả.
Bà Trang cho rằng với nhiều đề xuất mở rộng phạm vi và quyền lợi cho người tham gia BHYT sẽ góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống dưới 30% vào năm 2025.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới đây.