Loạt doanh nghiệp 'ăn theo' bất động sản gặp khó
Nhiều công ty trong lĩnh vực xây dựng, sắt thép, gỗ nội thất, xi măng, bóng đèn... bị ảnh hưởng tiêu cực liên đới khi ngành bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng.
Thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng các doanh nghiệp trong ngành mà còn tác động sâu sắc đến các lĩnh vực phụ trợ có liên quan. Hàng loạt doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền, nợ đọng kéo dài.
Ảnh hưởng trực tiếp nhất có thể nhìn thấy ở ngành xây dựng khi nhiều công ty mất đi nguồn thu truyền thống trong cơ cấu hoạt động, nhất là các đơn vị có liên quan mật thiết đến các chủ đầu tư bất động sản dân dụng.
Chẳng hạn, Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) báo cáo doanh thu sụt giảm 72% còn 437 tỷ đồng do sản lượng thi công thấp hơn đáng kể. Điều này kéo theo lợi nhuận lao dốc 97% chỉ còn gần 2 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp chuyên xây dựng cho hệ sinh thái Tập đoàn Hưng Thịnh ghi nhận lợi nhuận giảm phân nửa còn 12 tỷ đồng. Khoản phải thu tăng mạnh lên hơn 6.000 tỷ đồng, tương đương với 84% tổng tài sản.
Hay Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) báo lãi cao kỷ lục 684 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu nhờ bán máy móc thiết bị, giảm chi phí trong công tác tái cấu trúc và đặc biệt là hoàn nhập dự phòng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn khó khăn khi doanh thu sụt 5% trong kỳ còn khoảng 2.160 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp thậm chí còn lao dốc 74% xuống mốc 100 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ còn 5% so với mức 17% cùng kỳ.
Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn trên 11.200 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản. Công ty cũng gặp áp lực nợ phải trả lớn với hơn 14.000 tỷ đồng, gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu.
Áp lực nợ này đã giảm bớt khi doanh nghiệp hoàn tất phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ hiện hữu với các chủ nợ. Với giá phát hành 10.000 đồng/cp, Hòa Bình đã chuyển nợ thành cổ phần thành công với giá trị khoảng 730 tỷ đồng.
Thực tế, sự tăng trưởng của ngành xây dựng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết ngoại trừ một số doanh nghiệp có chuyên môn về hạ tầng kỹ thuật được chỉ định tham gia vào các gói hạ tầng kỹ thuật lớn quốc gia, còn lại do lĩnh vực bất động sản không có dự án mới nên đơn vị xây dựng cũng không có việc, đặc biệt là các công ty chuyên về xây dựng dân dụng.
Ngành thépcũng gặp khó không kém khi nhu cầu tiêu thụ tại các công trình xây dựng trầm lắng. Công ty Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) là trường hợp tiêu biểu khi tiếp tục lỗ nặng hơn trăm tỷ đồng trong quý II dù đã có thêm nguồn thu lớn từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc công ty thua lỗ là do sản lượng và giá bán giảm. Điều này dẫn đến lỗ lũy kế của đơn vị còn hơn 90 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, SMC ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn với 1.289 tỷ với giá trị trích lập 553 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu chiếm đến 25% tổng tài sản, danh sách nợ xấu của công ty này vẫn là các tên tuổi quen thuộc như Hưng Thịnh hay Novaland.
Chứng khoán VPS cho rằng bất động sản dân dụng vẫn là yếu tố đầu ra quan trọng nhất đối với khả năng tiêu thụ nội địa của ngành thép. Giá trị các dự án hoàn thành và các giao dịch thực hiện nhìn chung vẫn đang ở mức khá thấp so với các năm trước.
Các doanh nghiệp chủ yếu đang thực hiện nốt các dự án đã xong pháp lý, hoàn thiện đầy đủ để bàn giao khách hàng. Do tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản còn chậm nên chưa tác động mạnh đến tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
Với đầu tư công, VPS lưu ý trọng tâm nằm ở các tuyến đường cao tốc và đường bộ vành đai, mật độ thép sử dụng trong đa số các công trình không nhiều và đòi hỏi thép được sử dụng ở chất lượng cao. Theo đó, lợi thế thuộc về số ít doanh nghiệp thép có công nghệ cao và quy mô lớn.
Tương tự là ngành xi măng khi tiếp tục đối mặt với tình trạng dư cung và còn giảm nhu cầu từ thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng lò vì tiêu thụ khó hoặc hạ giá bán sản phẩm, điều chỉnh công suất của lò máy và thời gian làm việc.
Nhóm 18 công ty xi măng trên thị trường chứng khoán ghi nhận tổng lỗ ròng khoảng 110 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Doanh nghiệp niêm yết lớn nhất ngành là Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) dù có lãi trở lại trong quý II nhưng chủ yếu nhờ giảm lãi vay, trong khi quy mô doanh thu tiếp tục giảm 5% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo Vicem Hà Tiên nhận định nhu cầu xi măng trong nước năm 2024 khó tăng trưởng cao do việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản dù hồi phục nhưng chưa sôi động, giá điện tiếp tục tăng.
Gỗ An Cường (Mã: ACG) ghi nhận doanh thu thuần 1.648 tỷ đồng và lãi ròng 145 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm tương ứng 14% và 48% so với cùng kỳ. Kết quả này tương đương 22% kế hoạch lợi nhuận thận trọng của năm 2024.
Công ty chuyên cung cấp nội thất gỗ cho các tập đoàn bất động sản lý giải do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu và phải gánh thêm chi phí khi chủ động mở rộng hệ thống phân phối.
Một đơn vị khác cũng bị "liên lụy" do tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản là Tập đoàn Điện Quang (Mã: DQC). Công ty sản xuất bóng điện này tiếp tục đuối sức trong cuộc đua chuyển đổi số và ảnh hưởng bởi khách hàng địa ốc.
Trong nửa đầu năm 2024, Điện Quang tiếp tục chứng kiến doanh thu thuần sụt giảm hơn 20% về 346 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế theo đó lao dốc hơn 60% còn khoảng 2 tỷ đồng.
Công ty bóng đèn thậm chí còn ghi nhận kết quả tiêu cực trong năm 2023 khi bị lỗ trước thuế bị 31 tỷ đồng, do sụt giảm doanh số và tăng chi phí khuyến mãi. Đây là lần đầu tiên thua lỗ kể từ khi công ty lên sàn chứng khoán.
Ban lãnh đạo Điện Quang cho biết là doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của ngành bất động sản nên không nằm ngoài khó khăn chung. Các công ty chịu áp lực sản xuất từ sau đại dịch COVID-19 và thị trường địa ốc đóng băng đã làm sức tiêu thụ chậm lại, tồn kho tăng cao và công nợ bị kéo dài.