Loạt cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả trục lợi từ người già và trẻ nhỏ

Thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã chủ động các biện pháp đấu tranh, điều tra, triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn gây chấn động dư luận.

Nhiều đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả bị triệt phá

Tình trạng làm giả, làm nhái các nhãn hiệu sữa nổi tiếng ngày càng tinh vi. Nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Mới nhất, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả này đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột. Đến nay, 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai đã được sản xuất.

573 nhãn hiệu sữa bột bị làm giả, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Ảnh: VTV.

573 nhãn hiệu sữa bột bị làm giả, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Ảnh: VTV.

Cơ quan công an xác định, những loại sữa bột này có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 8/2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương) cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam ông Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 65 lô hàng sữa thành phẩm sản xuất tại công ty này chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp; tương đương với 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an (C05) phát hiện dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan. Ảnh: Công Thương.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an (C05) phát hiện dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan. Ảnh: Công Thương.

Ngày 21/1/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương và TPHCM, Công an TP Dĩ An và Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm của đối tượng Vũ Thành Công (SN 1988, trú tại quận 12, TPHCM).

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng tạm giữ nhiều loại phương tiện, máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả; 7.525 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 200 kiện hàng chứa vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng (khoảng 150.000 vỏ lon); 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa… có giá trị ước tính khoảng 14,5 tỷ đồng.

Cần nghiêm trị thật nặng

Trước tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, sữa kém chất lượng đang ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, rất nhiều ý kiến của bạn đọc lên án hành vi này và yêu cầu pháp luật nghiêm trị thật nặng các đối tượng liên quan.

Cụ thể, độc giả Trần Văn Phong bức xúc: "Đối tượng dùng sữa nhiều chủ yếu là các cháu nhỏ, người già bệnh tiểu đường... những con người yếu thế, vậy mà chúng lợi dụng lòng tin của người dân lừa đảo bán hàng giả. Đề nghị Bộ Công an và các cơ quan ban ngành cần phải nghiêm trị thật nặng đối với tội danh này và nêu tên trên tất cả các mạng, nền tảng xã hội để người dân được biết".

"Không thể tin nổi, hành vi sản xuất sữa giả của hai công ty này đã diễn ra trong một thời gian dài. Cần phải xử lý với mức án thật nghiêm minh để răn đe những người đang có ý định làm hàng giả", độc giả Phương Nguyên bày tỏ.

Hiện nay, theo quy định tại điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm sẽ áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Với cá nhân, hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, trường hợp hành vi sản xuất hàng giả thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân.

Với pháp nhân thương mại phạm tội, hình phạt có thể tới 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, nghiêm khắc nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi phạm tội của bị can, xác định có xử lý được đối với pháp nhân thương mại hay không và sẽ làm rõ các đồng phạm khác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc sản xuất sữa giả thực hiện trong một thời gian dài sẽ có nhiều người cùng tham gia, bởi vậy nếu những người nào biết đó là hàng giả nhưng vẫn thực hiện hành vi sản xuất, mua bán đều bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Y Nhụy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/loat-co-so-san-xuat-buon-ban-sua-gia-truc-loi-tu-nguoi-gia-va-tre-nho-2390541.html
Zalo