Loạt cán bộ 'dính chàm' vụ biến đất công thành tư ở Vũng Tàu
Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án lừa đảo, làm giả, đưa nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ… trong chuyên án đất đai lớn tại TP Vũng Tàu. Trong đó, có nhiều cán bộ 'dính chàm'.
Ngày 29/4, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Thanh (SN 1983, trú TP Vũng Tàu) cùng 16 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, xảy ra trong lĩnh vực đất đai tại TP Vũng Tàu.
Hợp thức hóa, làm giả nguồn gốc đất công để lừa đảo hơn 170 tỷ đồng
Vụ án do Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập chuyên án đấu tranh. Bị can Nguyễn Văn Thanh được xác định là người đầu vụ.

Khu đất trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu là 1 trong 11 thửa đất mà Nguyễn Văn Thanh đã hợp thức hóa, làm giả giấy tờ để lừa bán. Ảnh: Lê Thìn
Theo cáo trạng, do có ý định làm giả tài liệu để hợp thức hóa, biến các thửa đất do Nhà nước quản lý thành đất cá nhân rồi lừa bán cho người khác, nên Nguyễn Văn Thanh đã liên hệ Cao Bá Hoài (bạn Thanh), chuyên viên Phòng thông tin lưu trữ, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỏi mượn hồ sơ gốc các thửa đất công tại TP Vũng Tàu.
Do tin tưởng Thanh, từ tháng 7 đến tháng 9/2018, Hoài đã nhiều lần lấy 55 bộ hồ sơ giao cho Thanh mượn trái quy định và vượt thẩm quyền.
Khi có hồ sơ gốc trong tay, Thanh sử dụng máy scanner màu và các thiết bị kỹ thuật số sao chụp, scan toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc có hình ảnh mẫu con dấu của các cơ quan, tổ chức và mẫu chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn qua từng thời kỳ thành dữ liệu điện tử có định dạng PDF, JPG, JPEG... rồi lưu trữ vào máy tính và thiết bị lưu trữ khác.
Sau đó, Thanh trực tiếp làm giả tài liệu và chỉ dẫn Lê Văn Duẩn, Phan Văn Tòng, Nguyễn Hồng Huy cách làm để hợp thức hóa các thửa đất công thành đất của mình.
Kết quả điều tra xác định, Thanh cùng đồng phạm đã làm giả ít nhất 69 tài liệu để hợp thức hóa 13 thửa đất công với tổng diện tích 250.089,6m2. Sau đó, Thanh cùng đồng phạm sử dụng 56 tài liệu giả lừa bán 11 thửa đất có tổng diện tích 163.500,6m2 cho ông Phạm Công Tuyến (sinh năm 1966, trú quận 1, TP HCM), là giám đốc Công ty cổ phần Phạm Phúc Gia - để chiếm đoạt tổng số tiền 174,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh còn sử dụng 5 tài liệu giả lừa bán 1 thửa đất diện tích 30.000m2 cho ông Nguyễn Mạnh Hùng để chiếm đoạt 1,75 tỷ đồng bằng cách gán nợ và sử dụng 8 tài liệu giả để đối phó với các cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc.
Từ nạn nhân trở thành bị can, đưa hối lộ hơn 45 tỷ đồng
Đối với Phạm Công Tuyến - nạn nhân của Nguyễn Văn Thanh, cơ quan điều tra xác định người này đã có hành vi đưa hối lộ để "bôi trơn" khi giải quyết các hồ sơ đất đai theo hướng có lợi cho mình.
Cụ thể, sau khi mua đất từ Thanh, Tuyến đã trực tiếp hoặc ủy quyền cho Thanh liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hồ sơ cấp lần đầu sổ đỏ theo thủ tục hành chính hoặc khởi kiện hành chính tại TAND có thẩm quyền.
Đồng thời, Tuyến chuyển khoản 45,5 tỷ đồng cho Nguyễn Đại Nguyên (sinh năm 1975, nhân viên cấp dưới) để làm đầu mối liên hệ trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình giải quyết hồ sơ đất đai, dự án kinh doanh của Tuyến.
Từ hành vi đưa hối lộ của Nguyên đã kéo theo một loạt hành vi vi phạm pháp luật khác, có cả những cán bộ làm trong lĩnh vực đất đai gồm: Phạm Thị Kim Loan, Nguyễn Quang Tú, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Thu Hà (cán bộ địa chính phường 2, TP Vũng Tàu).
Ngoài ra còn có nhiều người nhận tiền để "tác động" nhưng thực ra không làm nên bị tố tội lừa đảo, gồm: Nguyễn Thế Quan, Đào Việt Anh, Lê Phát Đạt, Phạm Quang Cường.
Cáo trạng xác định, nhận tiền hối lộ từ Nguyên, Tuyến, những người trên có người trực tiếp giải quyết hồ sơ theo chức trách nhiệm vụ được giao; có người làm trung gian môi giới chuyển tiếp tiền hối lộ đến người có chức vụ quyền hạn giải quyết; có người lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để gây ảnh hưởng đến người giải quyết hồ sơ. Tất cả vì mục đích hưởng lợi, trục lợi.
Bên cạnh đó, có người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hối lộ và có người rửa tiền phạm tội bằng cách đầu tư, mua sắm bất động sản hay tài sản nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tiền phạm pháp.
Theo VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay các cơ quan tố tụng tỉnh thống nhất kết thúc điều tra (giai đoạn 1) đối với 17 bị can về các tội danh tương ứng với hành vi đã thực hiện. Đồng thời, tách tài liệu và hành vi liên quan đến vụ án để tục điều tra, xử lý trong giai đoạn tiếp theo (giai đoạn 2).