Loạn giá thuốc Tamiflu, Bộ Y tế siết chặt quản lý

Ca bệnh cúm A tăng nhanh khiến thị trường thuốc Tamiflu cũng biến động, trở nên khan hiếm. Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã lên tiếng.

Những ngày gần đây xuất hiện tình trạng không ít người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A về dự trữ do tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm thuốc thêm nếu dịch bùng phát.

Cùng đó, trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản, cửa hàng thuốc rao bán thuốc Tamiflu, thậm chí còn khuyến cáo người dân nên dự trữ 1-2 vỉ thuốc ở nhà để dự phòng khi mắc cúm A.

Sử dụng thuốc Tamiflu cần phải theo chỉ định của bác sĩ

Sử dụng thuốc Tamiflu cần phải theo chỉ định của bác sĩ

Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/2, đại diện Phòng Quản lý kinh doanh dược, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho hay liên quan đến hoạt chất Oseltamivir, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir (điều trị cúm) hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.

Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 hộp. Sắp tới công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.

Trước thông tin nhiều cửa hàng tăng giá bán thuốc Tamiflu, đại diện Cục Quản lý dược nhấn mạnh, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 - 80.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức mức phạt tăng gấp 2 lần).

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Trước đó, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị cúm, Cục Quản lý dược đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc.

Công văn nêu rõ, trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng. Để đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân tại Công văn số 3847/QLD-KD ngày 2/12/2024 của Cục Quản lý dược.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.

Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Ở góc độ điều trị, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện.

Thông thường cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Riêng đối tượng dễ bị biến chứng cúm nặng như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch… thì cần được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc để điều trị kịp thời.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/loan-gia-thuoc-tamiflu-bo-y-te-siet-chat-quan-ly-373104.html
Zalo