Loài vật quý hiếm bậc nhất thế giới, 'mất tích' 87 năm bất ngờ tái xuất

Loài vật này gần như không có thị lực và dành phần lớn cuộc đời dưới lòng đất, bù lại, chúng sở hữu thính giác đáng kinh ngạc.

Chuột chũi vàng De Winton là loài đặc hữu của Nam Phi. Chúng gần như không có thị lực và dành phần lớn cuộc đời dưới lòng đất. Bù lại, loài vật này có thính giác rất đáng kinh ngạc và có thể nhanh chóng tiếp nhận mọi âm thanh đến từ mọi chuyển động của động vật từ trên mặt đất. Khi di chuyển bên dưới lớp cát, chúng nhanh nhẹn như cá bơi trong nước.

Trên thực tế, loài chuột này chỉ sinh sống ở một khu vực nhỏ tại Port Nolloth trên bờ biển phía tây bắc Nam Phi. Những đặc điểm này khiến chúng trở thành những sinh vật khó nắm bắt nhất trên thế giới. Lần cuối cùng con người nhìn thấy chúng là vào năm 1936.

Dù không muốn tin vào điều đó nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã nghi ngờ rằng loài chuột chũi vàng De Winton đã tuyệt chủng. Tổ chức Re:Wild đã đưa chuột chũi vàng De Winton vào "Danh sách các loài bị mất được mong muốn tìm thấy nhất", danh sách 25 loài bị mất mà các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới muốn khám phá lại nhất.

Tuy nhiên, cuối năm 2023, loài động vật quý hiếm này bất ngờ được tái phát hiện.

Vào ngày 28/11/2023, một nhóm nghiên cứu bao gồm Tổ chức Động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (EWT) và Đại học Pretoria đã hào hứng tiết lộ phát hiện của nhóm: Sau một cuộc tìm kiếm rộng rãi, nhóm đã phát hiện thành công 2 con chuột chũi vàng De Winton bên dưới cát của Port Nolloth.

Cobus Theron, thuộc EWT của Nam Phi, cho biết: "Đây là một dự án rất thú vị với nhiều thách thức. May mắn thay, chúng tôi có một đội ngũ đầy nhiệt huyết và một đội ngũ tuyệt vời với những ý tưởng sáng tạo".

Việc tìm ra loài cực kỳ nguy cấp, khó nắm bắt này đã không được phát hiện trong suốt 87 năm, nhưng khi công nghệ phát triển, nghiên cứu của EWT và Đại học Pretoria đã có cơ hội tìm kiếm dấu vết của chuột chũi vàng De Winton.

Chuột chũi vàng De Winton sống ở cồn cát là loài động vật rất khó tiếp cận hoặc bẫy vì chúng hiếm khi rời khỏi những đường hầm trong hang, và người khác hầu như không thể tiếp cận hang của chúng. Thính giác nhạy bén khiến chúng có thể phát hiện nhanh chóng các rung động từ chuyển động trên mặt đất, giúp chúng càng dễ trốn.

Chuột chũi De Winton cũng thường bị nhầm lẫn với chuột chũi vàng Grant, một loài sống trong môi trường tương tự.

Để tìm kiếm chuột chũi vàng De Winton, EWT đã hợp tác với Đại học Pretoria và Jessia, chú chó collie có khả năng phát hiện các loại mùi, để thử nghiệm một kỹ thuật được gọi là DNA môi trường (eDNA) cải tiến, thường được sử dụng trong môi trường nước.

Tỉ mỉ sàng lọc các mẫu cát từ cồn cát gần Port Nolloth, họ tìm kiếm các dấu vết DNA từ các mẫu tế bào da, tóc, máu và phân do những chú chuột chũi bí ẩn thải ra.

"Nó không phải một tập phim của CSI, nhưng nó thú vị hơn nhiều," EWT viết trước khi thực hiện sứ mệnh này.

Họ bắt đầu tại địa điểm nơi người ta nhìn thấy chuột chũi vàng lần cuối cách đây hơn 80 năm. Nhóm nghiên cứu đã thu thập hơn 100 mẫu đất, khảo sát tới 18km2 môi trường sống của chuột chũi vàng De Winton.

Vào thời điểm đó, EWT cho biết: "Việc tìm thấy chuột chũi vàng De Winton sẽ là tia hy vọng cho các nhà bảo tồn, cho thấy những điều kỳ diệu vẫn còn ẩn giấu đâu đó chờ được khám phá."

Cộng thêm với chiếc mũi điêu luyện của chó Jessie, nhóm nghiên cứu xác định được có một số loài chuột chũi vàng đang sống trong khu vực nghiên cứu.

Trong số này, cuối cùng họ đã phát hiện ra chuột chũi vàng De Winton, cùng với chuột chũi vàng Van Zyl, một loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng khác.

Cobus Theron, giám đốc bảo tồn cấp cao của EWT cho biết: "Giờ đây chúng tôi không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn có thể khai thác được chương trình eDNA, nơi có thể đem lại rất nhiều cơ hội không chỉ với chuột chũi vàng mà còn cho các loài bị mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng khác."

Mặc dù việc phát hiện lại chuột chũi vàng De Winton là một tin tuyệt vời nhưng chúng có thể sẽ sớm biến mất một lần nữa khi các hoạt động khai thác kim cương phù sa quy mô lớn và việc lấn chiếm khu dân cư phát triển trên môi trường sống của chúng tiếp tục đe dọa quần thể.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-vat-quy-hiem-bac-nhat-the-gioi-mat-tich-87-nam-bat-ngo-tai-xuat-204240917222406629.htm
Zalo