Loài rắn không có nọc độc, màu sắc sặc sỡ dễ bị giết nhầm vì nghi là rắn cực độc tại Việt Nam

Dù hoàn toàn không có nọc độc và còn mang lại lợi ích trong việc kiểm soát các loài gặm nhấm, nhưng loài rắn sọc đốm đỏ – một loài bò sát hiền lành – vẫn thường xuyên bị con người giết nhầm do sở hữu màu sắc giống với các loài rắn độc nguy hiểm.

Rắn sọc đốm đỏ: Hiền lành nhưng dễ gây hiểu lầm

Loài rắn được nhắc đến là rắn sọc đốm đỏ, còn gọi là rắn tre đỏ, rắn chuột tre, tên khoa học là Oreocryptophis porphyraceus. Đây là loài rắn không có nọc độc, thuộc họ rắn nước, sống chủ yếu trên cạn và trên cây. Loài rắn này đặc biệt ưa khí hậu mát mẻ và thường sinh sống ở những vùng đồi núi cao, ở độ cao từ 800m trở lên, trong các khu rừng mưa ẩm hoặc rừng khô, tùy từng phân loài.

Rắn sọc đốm đỏ phân bố rộng khắp châu Á, từ Ấn Độ, Bhutan, Tây Tạng, Nepal, miền Nam Trung Quốc cho đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, chúng thường xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng…

Thức ăn chủ yếu của rắn sọc đốm đỏ bao gồm ếch, nhái, thằn lằn, chim nhỏ, chuột và các loài động vật có vú nhỏ khác. Nhờ đặc tính săn mồi này, chúng được coi là loài rắn có lợi cho nông nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoại hình dễ bị nhầm với rắn độc

Một trong những lý do khiến rắn sọc đốm đỏ thường bị giết nhầm là bởi hình dạng và màu sắc cơ thể, đặc biệt khi còn non, rất dễ gây nhầm lẫn với các loài rắn độc. Cụ thể, rắn sọc đốm đỏ non có các khoang màu đen và vàng xen kẽ nhau – đặc điểm khiến nhiều người lầm tưởng chúng là rắn cạp nong, một loài rắn hổ có nọc độc cực mạnh.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, có thể nhận thấy những điểm khác biệt rõ ràng. Rắn sọc đốm đỏ non có đầu màu vàng, trên đầu có các vạch đen chạy dọc theo mắt. Đuôi của chúng cũng có vạch và thường dài, nhọn. Trong khi đó, rắn cạp nong lại có đầu màu đen, thân hình tam giác, sống lưng nhô cao rõ rệt và đuôi ngắn, tù hơn.

Khi trưởng thành, rắn sọc đốm đỏ có thể dài tới 1,2m. Màu cơ thể chuyển sang đỏ hoặc cam đậm, có các vạch đen chia cơ thể thành từng khoang. Đầu và mắt vẫn giữ các vạch đen chạy dọc như lúc còn nhỏ. Một số phân loài có các sọc đen kéo dài suốt cơ thể hoặc chia tách thành từng vùng màu đen – đỏ riêng biệt.

Dù màu sắc khi trưởng thành thay đổi, rắn sọc đốm đỏ trưởng thành lại dễ bị nhầm với rắn san hô đầu bạc – một loài rắn hổ có nọc độc rất nguy hiểm. Điểm khác biệt dễ nhận thấy là rắn san hô đầu bạc có phần đầu màu trắng và không có các vạch chạy dọc qua mắt như rắn sọc đốm đỏ.

Không có nọc độc và có lợi cho nông nghiệp

Theo các chuyên gia, rắn sọc đốm đỏ hoàn toàn không có nọc độc. Là một loài thuộc họ rắn nước, chúng được xếp vào nhóm rắn săn chuột – những loài giúp ích rất nhiều cho nông nghiệp bằng cách kiểm soát số lượng các loài gặm nhấm phá hoại mùa màng. Vì vậy, khi bắt gặp loài rắn này trong tự nhiên, con người nên tìm cách xua đuổi thay vì tiêu diệt, tránh gây hại không đáng có cho hệ sinh thái.

Ngoài ra, do sở hữu vẻ ngoài sặc sỡ và bản tính hiền lành, rắn sọc đốm đỏ cũng được nhiều người yêu thích bò sát chọn làm vật nuôi. Điều này phần nào dẫn đến tình trạng loài rắn này bị săn bắt quá mức, khiến số lượng cá thể trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng.

Cần phân biệt rõ để tránh “giết nhầm”

Việc nhận diện đúng rắn sọc đốm đỏ không chỉ giúp bảo vệ một loài vật có ích, mà còn góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học. Nhận biết đúng rắn vô hại và rắn độc là điều cần thiết để tránh những tai nạn không đáng có cũng như những cái chết oan uổng cho các loài vật vô hại trong tự nhiên.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/loai-ran-khong-co-noc-doc-mau-sac-sac-so-de-bi-giet-nham-vi-nghi-la-ran-cuc-doc-tai-viet-nam/20250502084108573
Zalo