Loại hành tinh huyền thoại lần đầu tiên lộ diện
Hành tinh 2M1510b là bằng chứng thực tế đầu tiên về loại thiên thể tưởng chừng chỉ có trong các câu chuyện viễn tưởng.
Nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi TS Thomas Baycroft từ Đại học Birmingham (Anh) đã tìm thấy một hành tinh mới vô cùng kỳ lạ quay quanh 2 cặp sao lùn nâu trẻ 2MASS J15104786 -2818174, gọi tắt là 2M1510.
Hành tinh vừa được phát hiện, 2M1510b, quay trên một mặt phẳng quỹ đạo vuông góc hoàn hảo với mặt phẳng quỹ đạo mà 2 ngôi sao trong hệ này quay quanh nhau.

Ảnh đồ họa mô tả quỹ đạo bất thường của hành tinh 2M1510b và 2 sao lùn nâu mà nó quay quanh - Ảnh: ESO
Theo Sci-News, bản thân hành tinh quay quanh sao đôi đã là điều hiếm thấy. Và hầu hết chúng đều quay quanh hai ngôi sao trong hệ bằng một quỹ đạo lớn, với mặt phẳng quỹ đạo trùng khớp với mặt phẳng quỹ đạo mà 2 ngôi sao đó quay quanh nhau.
Xét về mặt lý thuyết, có thể tồn tại dạng hành tinh quay trên một mặt phẳng quỹ đạo vuông góc với hệ.
Nhưng người ta cho rằng đó chỉ là một giả thuyết, một huyền thoại. Sau nhiều thập kỷ, chưa ai tìm được bằng chứng xác thực nào về loại hành tinh kỳ lạ này.
Vì vậy, 2M1510b trở thành bằng chứng đầu tiên cho thấy đó không phải là một huyền thoại.
Để thêm phần kỳ lạ cho hệ sao, cặp sao mà 2M1510b quay quanh là 2 ngôi sao lùn nâu, thứ không hẳn là những ngôi sao.
Sao lùn nâu là dạng thiên thể quá nhỏ để duy trì phản ứng tổng hợp hạt nhân trong lõi, nhưng quá lớn để có thể được coi như một hành tinh.
Loại vật thể nửa sao, nửa hành tinh này thường được gọi là các "ngôi sao thất bại" hoặc "hành tinh cao cấp".

Hai ngôi sao lùn nâu 2M1510A và 2M1510B - Ảnh: ESO
Hai ngôi sao lùn nâu quay quanh nhau và có cả hành tinh là điều hiếm khi xảy ra. Chưa kể, 2 sao lùn nâu tạo ra hiện tượng che khuất lẫn nhau khi nhìn từ Trái Đất, khiến chúng trở thành một phần của cái mà các nhà thiên văn học gọi là "sao đôi che khuất".
Cho đến nay, mới chỉ có 2 cặp sao đôi che khuất được biết đến.
Các nhà thiên văn học đã tìm thấy 2M1510b trong khi tinh chỉnh các thông số quỹ đạo và vật lý của hai sao lùn nâu bằng cách thu thập các quan sát bằng thiết bị quang phổ tử ngoại và quang phổ thị giác (UVES) trên Kính thiên văn Very Large của ESO.
Hai sao lùn nâu này bị đẩy và kéo theo những cách bất thường, khiến họ suy ra sự tồn tại của một ngoại hành tinh có góc quỹ đạo kỳ lạ.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.