Loại củ màu cam vừa tốt cho huyết áp vừa ngăn ngừa ung thư

Cà rốt không chỉ tốt cho hệ tim mạch của bạn mà còn có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng, một loại ung thư đang gia tăng ở những người trẻ ít vận động.

Cà rốt chứa hàm lượng đáng kể các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Cứ 100g cà rốt sống, bạn có thể nhận được 2,8g chất xơ, 320mg kali và một lượng vitamin A ấn tượng.

Chuyên gia dinh dưỡng Angel Luk (Canada) đã chia sẻ những hiểu biết của mình về cà rốt trên Health Digest:

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng châu Âu, việc tiêu thụ cà rốt dường như làm giảm huyết áp ở người. Tác dụng bảo vệ tim của cà rốt cũng được ghi nhận trên động vật. Theo đó, những con chuột được cho ăn cà rốt giảm đáng kể chỉ số huyết áp sau 14 tuần.

Cà rốt là loại thực phẩm sẵn có, giá rẻ ở Việt Nam. Ảnh: Ban Mai

Cà rốt là loại thực phẩm sẵn có, giá rẻ ở Việt Nam. Ảnh: Ban Mai

Các nghiên cứu lâm sàng cũng ủng hộ quan điểm cà rốt có thể là thực phẩm chính trong việc ngăn ngừa một số loại ung thư. Phân tích đăng trên Nutrients đã xem xét tiềm năng phòng ngừa ung thư đại tràng của cà rốt trong nhóm 57.000 người. Các phát hiện cho thấy những người trưởng thành ăn từ 2-4 củ cà rốt mỗi tuần đã giảm 17% nguy cơ mắc ung thư đại tràng so với những người không ăn cà rốt.

Một nghiên cứu khác đăng trên Frontiers in Nutrition kết luận rằng việc thường xuyên ăn cà rốt có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Ăn một lượng cà rốt vừa phải đủ để tạo ra tác động tích cực đến sức khỏe của bạn. Tiêu thụ nhiều hơn không tạo ra tác dụng chống ung thư lớn hơn. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, carotenoid, axit phenolic và polyacetylene trong cà rốt là những chất hữu ích chống lại ung thư đại tràng.

Tuy nhiên, chuyên gia Luk cảnh báo không nên nghĩ rằng chỉ có cà rốt là giải pháp duy nhất giúp ngăn ngừa ung thư. "Không chỉ có cà rốt làm giảm nguy cơ ung thư và cải thiện huyết áp mà là chế độ ăn uống nhiều rau và trái cây không chứa tinh bột. Như vậy, cà rốt là một phần của bản giao hưởng thực phẩm tốt chứ không phải là một nghệ sĩ biểu diễn đơn lẻ", nữ chuyên gia nói.

Nguy cơ tiềm ẩn khi ăn quá nhiều

Cà rốt nổi tiếng với nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng tiêu thụ quá mức hoặc có cơ địa nhạy cảm có thể gây ra một số tác động tiêu cực:

- Chứng vàng da do carotene

Ăn quá nhiều cà rốt có thể gây ra carotenemia, một tình trạng khiến da chuyển sang màu vàng cam do lượng beta-carotene cao. Theo Cleveland Clinic, carotenemia có thể xảy ra nếu tiêu thụ hơn 20-50 mg beta-carotene mỗi ngày trong thời gian dài.

- Vấn đề tiêu hóa

Cà rốt chứa nhiều chất xơ, có thể gây đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy nếu ăn quá nhiều. Theo Mayo Clinic, việc tăng lượng chất xơ đột ngột có thể gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt đối với những người chưa quen với chế độ ăn giàu chất xơ.

- Ảnh hưởng đến lượng đường trong máu

Mặc dù cà rốt có chỉ số đường huyết thấp nhưng ăn nhiều vẫn có thể làm tăng lượng đường trong máu. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường nên ăn cà rốt với lượng vừa phải vì chứa đường tự nhiên.

- Dị ứng thực phẩm

Một số người có thể bị dị ứng với cà rốt, đặc biệt là những người mắc hội chứng dị ứng phấn hoa - thực phẩm (PFAS). Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch Mỹ cho biết cà rốt sống có thể gây ngứa hoặc sưng miệng, họng do phản ứng chéo với phấn hoa bạch dương.

- Nguy cơ nhiễm kim loại nặng

Cà rốt có thể hấp thụ kim loại nặng từ đất bị ô nhiễm, như chì hoặc cadmium. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng tiếp xúc lâu dài với các kim loại này có thể gây tổn thương thận và ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cu-ca-rot-vua-tot-cho-huyet-ap-vua-ngan-ngua-ung-thu-2370329.html
Zalo