Loài chim nóng tính nhất Việt Nam: Canh nhà dữ tợn không thua chó, múa đẹp nhưng đá cực hiểm

Là loại chim cảnh nhưng bao lâu nay tính cách hung dữ hoang dã của nó vẫn chưa thể thay đổi. Vào mùa sinh sản, giống chim này càng trở nên khó gần hơn.

Ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây có một loại chim rất đặc biệt. Nó tên là chim trích, hay còn gọi là trích cồ. Vốn chúng là chim hoang dã, nhưng vì quá đẹp, lại không khó nuôi nên người dân bắt về làm cảnh. Đa số các tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chim trích cồ này rất nhiều.

Chim trích cồ

Chim trích cồ

Xét về vóc dáng, chim trích cồ không quá to cũng chẳng quá bé. Nó có phần lông ức màu xanh mướt nổi bật trên nền lông đen. Mỏ và mồng của chim có màu đỏ đặc trưng. Ngoài ra, chim trích cồ còn sở hữu cặp chân dài thẳng tắp. Có lẽ cũng nhờ đôi chân này mà chúng có thể nhảy múa rất đẹp mắt.

Người nuôi chim trích cồ lâu thường xem chúng như gà, nuôi thả chứ không nhốt trong chuồng. Khi đó, chim sẽ ăn lúa gạo, rau cải, thịt cá chứ không phải chăm bẵm riêng như chim cảnh thông thường. Hàng ngày chúng quanh quẩn trong sân, lâu còn quen chủ, quấn lấy chủ như chó nhà, mèo nhà.

Tuy nhiên, chim trích cồ vẫn giữ tập tính, nét đặc trưng hoang dã của mình. Chúng dễ sinh sản khi sống trong không gian rộng rãi, nhiều cây cối, có ao hồ. Còn nếu nuôi nhốt, chim trích cồ sẽ bị khó sinh.

Chim trích cồ được nhiều người nuôi để canh nhà thay chó. Dù không to và mạnh mẽ được như chó nhưng loài chim này rất hung dữ, không thua bất cứ ai. Chúng có thể lao đến đối thủ, vừa dùng mỏ để mổ, vừa đá những cú hiểm hóc khiến đối phương bị thương. Ngoài ra, chim trích cồ còn có tiếng ré đặc trưng, inh tai nhức óc nhưng để báo động thì rất hợp lý.

Chim trích cồ dữ tợn nhất là vào mùa sinh sản. Khi đó, việc động vào chúng là rất mạo hiểm. Một con trích cồ 18 tháng tuổi sẽ bắt đầu sinh sản. Một năm nó đẻ 2 – 3 đợt, trung bình cho 2 – 6 trứng. Giá thành một cặp chim trích cồ non từ 400.000 – 1 triệu đồng. Nhưng khi chim đã lớn, trổ xanh thì đội giá lên 1 – 1,5 triệu đồng/con. Vất vả nhất là khi chim vừa nở, chưa thể tự kiếm ăn nên phải được mẹ mớm mồi. 15 ngày sau chúng bắt đầu cứng cáp là có thể tập ăn theo chim lớn.

Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/loai-chim-nong-tinh-nhat-viet-nam-canh-nha-du-ton-khong-thua-cho-mua-dep-nhung-da-cuc-hiem/20241220100244462
Zalo