Loài bọ cạp quý hiếm trong động Thiên Đường

Loài bọ cạp quý hiếm này chỉ được phát hiện sinh sống trong lòng động Thiên Đường – hang động khô dài nhất châu Á. Chúng sở hữu nhiều đặc điểm khác biệt so với các loài bọ cạp thông thường.

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai nhờ đáp ứng tiêu chí về đa dạng sinh học và sinh thái học, với nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Khu vực này được xếp vào danh sách 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được xem là hình mẫu điển hình về đa dạng sinh học của vùng sinh thái dãy Trường Sơn.

Một số loài quý hiếm sinh sống tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Một số loài quý hiếm sinh sống tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hiện Vườn ghi nhận 1.399 loài động vật, trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN. Bên cạnh đó, Vườn cũng có 2.953 loài thực vật bậc cao, với 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Trong số này, nhiều loài đặc hữu chỉ được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đặc biệt, một loài bọ cạp quý hiếm đã được phát hiện duy nhất trong lòng động Thiên Đường – hang động khô dài nhất châu Á. Loài này do Tiến sĩ Phạm Đình Sắc (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng Tiến sĩ Wilson Lourenco (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, Pháp) phát hiện và công bố vào năm 2012.

Loài bọ cạp chỉ được tìm thấy trong hang động Thiên Đường.

Loài bọ cạp chỉ được tìm thấy trong hang động Thiên Đường.

Tên khoa học của loài này là Vietbocap thienduongensis Lourenco & Pham (tên tiếng Việt là Bọ cạp Thiên Đường). Loài này thuộc giống Vietbocap, thuộc họ Pseudochactidae, được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới.

Quan sát một số đặc điểm bên ngoài có thể nhận thấy loài này không phát triển mắt. Đây là một đặc điểm phổ biến của các loài sinh vật hang động. Màu sắc của chúng nhạt, gần như trong suốt hoặc màu trắng kem. Đặc điểm này giúp bọ cạp Thiên Đường hòa lẫn vào môi trường đá vôi trong hang. Cơ thể nhỏ, mảnh mai phù hợp với điều kiện sống trong môi trường thiếu dinh dưỡng của hang động.

Đây là loài chuyên biệt, thích nghi với điều kiện sống trong hang động. Các nhà khoa học nhận định rằng, do sự cách biệt với môi trường bên ngoài, cùng với sự khác biệt về chế độ ánh sáng, độ ẩm đã hình thành loài đặc hữu này.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loai-bo-cap-quy-hiem-trong-dong-thien-duong-169250425102658422.htm
Zalo