Lo thiếu lao động vì dân số già
Số lượng người lao động từ 65 tuổi trở lên tăng tới 9,14 triệu người tại Nhật Bản trong năm 2023, một con số cao kỷ lục
Số lượng người từ 65 tuổi trở lên tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục, làm dấy lên nỗi lo về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và nguy cơ thiếu hụt lao động.
Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố, nước này có 36,25 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29,3% dân số. Đây là tỉ lệ cao nhất thế giới.
Một cuộc khảo sát của Teikoku Databank (một ngân hàng dữ liệu của Nhật Bản) vào tháng trước cho thấy 51% công ty ở mọi lĩnh vực cảm thấy có sự thiếu hụt nhân viên toàn thời gian. Trong khi đó, dữ liệu của Cục Thống kê cho thấy số lượng người lao động tuổi từ 65 trở lên tăng tới 9,14 triệu người trong năm 2023, cũng là một con số cao kỷ lục.
Ông Robert Feldman, chuyên gia tại Công ty Tư vấn và Quản lý tài sản Morgan Stanley MUFG Securities (Nhật Bản), bày tỏ nỗi lo sẽ không có đủ người trẻ thay thế một khi lực lượng lao động lớn tuổi bắt đầu nghỉ hưu. Chuyên gia này lưu ý tình trạng thiếu hụt đặc biệt tệ đối với các ngành thâm dụng lao động như dịch vụ thực phẩm.
Dựa theo các xu hướng hiện nay, Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản dự báo tỉ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên mức 34,8% vào năm 2040.
Trong khi đó, một báo cáo gần đây của ông Feldman ước tính lực lượng lao động có thể giảm từ khoảng 69,3 triệu người hồi năm 2023 xuống còn khoảng 49,1 triệu người vào năm 2050.
Theo đài CNBC hôm 17-9, một số biện pháp đã được thực hiện trong nỗ lực đảo ngược sự sụt giảm của tỉ lệ sinh, như cấp thêm ngân sách cho việc nuôi dạy trẻ, xây dựng thêm cơ sở chăm sóc trẻ, khuyến khích thanh niên hẹn hò, kết hôn và sinh con.
Ngay cả khi tỉ lệ sinh được cải thiện, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ không thể được giải quyết trong ngắn hạn. Nhật Bản đang hướng đến việc đón thêm 800.000 người lao động nước ngoài trong 5 năm tới, theo truyền thông địa phương.
Dù vậy, ông Feldman cho rằng Nhật Bản sẽ cần phải thu hút thêm hàng chục triệu lao động nước ngoài để có thể bù đắp cho sự sụt giảm dự kiến về dân số trong vài thập kỷ tới. Ngoài ra, nước này còn cần đầu tư để cải thiện hiệu suất lao động, khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa…
Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khóa XIV vừa biểu quyết thông qua quyết định thực hiện tăng dần tuổi nghỉ hưu theo luật định.
Theo Tân Hoa Xã, tuổi hưu ở nam giới sẽ được nâng dần từ 60 lên 63 trong vòng 15 năm, bắt đầu từ năm 2025. Tuổi hưu của cán bộ nữ và công nhân nữ sẽ được nâng lần lượt từ 55 lên 58 và từ 50 lên 55.
Theo Reuters, tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới và việc cải cách là cấp thiết khi tuổi thọ trung bình đã tăng lên 78 tuổi vào năm 2021 và dự kiến vượt 80 tuổi vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, lực lượng lao động cần thiết để hỗ trợ người già đang giảm dần do dân số già hóa và suy giảm.
Theo một số chuyên gia, động thái trên sẽ có ít tác động ngắn hạn nhưng giúp duy trì sự tăng trưởng năng suất ổn định trong dài hạn. Họ cũng cảnh báo nếu dân số tiếp tục sụt giảm, lực lượng lao động sẽ càng thu hẹp, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.