Lo sợ nguồn cung khí đốt từ Nga gián đoạn, Đức kích hoạt kế hoạch khẩn cấp
Đức kích hoạt kế hoạch khẩn cấp do lo ngại Nga ngừng cung cấp khí đốt trong bối cảnh Nga yêu cầu châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Ngày 30/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông báo kích hoạt bước đầu trong kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong bối cảnh nguồn cung từ Nga có thể bị gián đoạn.
Theo ông Habeck, giai đoạn đầu là theo dõi tình hình. “Ngoài ra còn hai bước tiếp theo, giai đoạn cảnh báo và giai đoạn khẩn cấp, nhưng chúng ta chưa ở vào tình trạng này. Tình hình sẽ phải xấu đi nhiều hơn nữa trước khi chúng ta đến các giai đoạn đó. Lúc ấy, chúng ta sẽ cần thay đổi nguồn cung và phản ứng tùy theo tình hình”, ông Habeck nói.
Cùng với việc kích hoạt kế hoạch khẩn cấp, một lực lượng chuyên trách sẽ nhóm họp mỗi ngày để theo dõi tình trạng tiêu thụ và dự trữ khí đốt tại Đức.
Ông Habeck cũng yêu cầu các công ty giảm lượng năng lượng tiêu thụ khi không cần thiết. Giới chức Đức sẽ trao đổi với các nhà cung cấp và tiêu thụ năng lượng về những ưu tiên trong việc sử dụng khí đốt.
Hiện dự trữ khí đốt của Đức hiện ở mức tương đương 25% công suất và Chính phủ Đức chưa cần thiết phải can thiệp vào thị trường.
“Chỉ khi tới giai đoạn 3, chính phủ mới cần can thiệp và điều hướng dòng chảy khí đốt”, ông Habeck nói đồng thời cho biết vào thời điểm đó, cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur sẽ xem xét những khu vực và ngành công nghiệp thuộc hạng không được ưu tiên sử dụng năng lượng.
Trước đó, nhóm đại diện các nhà cung cấp điện, khí đốt lớn của Đức kêu gọi chính phủ kích hoạt kế hoạch khẩn cấp do quan ngại nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn liên quan tới yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble của Moscow.
Việc thanh toán mua khí đốt Nga bằng đồng ruble đồng nghĩa các công ty năng lượng châu Âu phải thương thảo lại các hợp đồng dài hạn, quá trình có thể mất vài tháng hoặc hàng năm.
Hiện 50% lượng than đá, khí tự nhiên nhập khẩu của Đức là đến từ Nga. Các chuyên gia nhận định ngành công nghiệp của Đức, từ hóa chất cho tới luyện thép, sẽ bị đình trệ thậm chí ngưng hoạt động chỉ trong vài tuần nếu nguồn năng lượng cung cấp từ Nga bị cắt.