Lo sợ drone, Ukraine lắp thiết bị tác chiến điện tử lên xe tăng Abrams
Quân đội Ukraine đã quyết định lắp thiết bị chống drone lên xe tăng M1A1SA Abrams. Biện pháp tác chiến điện tử mới được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tổn thất cho dòng xe tăng đắt đỏ này trước các cuộc tập kích từ Nga.
Với đơn giá lên tới 10 triệu USD/chiếc, xe tăng M1A1SA Abrams là một trong những khí tài đắt đỏ của Ukraine bị Nga săn lùng nhiều nhất.
Kiev cũng chỉ được Mỹ chuyển 31 chiếc M1A1SA Abrams, trước đòn tập kích liên tục của drone Nga, nếu không có biện pháp khắc chế phù hợp, rất có thể Kiev sẽ không còn chiếc xe tăng M1A1SA Abrams nào trong thời gian tới.
Do đó thời gian qua binh sĩ Ukraine phải tăng khả năng bảo vệ cho xe tăng bằng cách lắp thêm giáp phản ứng nổ, giáp lồng và gần đây là thiết bị tác chiến điện tử. "Điều này có thể cứu mạng các binh sĩ", chỉ huy Ukraine có biệt danh Zakon cho biết.
Trong một lần bị drone tập kích vào tháng trước, chiếc M1A1SA Abrams của Ukraine thoát nạn nhờ tấm giáp lưới ngăn drone và thiết bị tác chiến điện tử trên xe. Hệ thống này đã gây nhiễu tín hiệu kết nối giữa người điều khiển và drone, khiến nó không đánh trúng đích.
Vào một lần khác, kíp lái Ukraine kịp dừng xe tăng trước khi một chiếc drone lao thẳng vào mặt trước xe. Hệ thống tác chiến điện tử và giáp phản ứng nổ lắp thêm giúp ngăn đòn tấn công, tránh thiệt hại cho chiếc M1 Abrams.
Drone không phải mối đe dọa duy nhất mà M1 Abrams đối mặt. Theo Zakon, mẫu xe tăng của Mỹ "là mục tiêu dễ dàng với nhiều loại vũ khí phổ biến trên chiến trường", trong đó có tên lửa chống tăng và pháo phản lực.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tuần trước thừa nhận số lượng xe tăng M1 Abrams ít ỏi không thể tạo ra khác biệt trên chiến trường, đồng thời bày tỏ lo ngại tương tự với số tiêm kích F-16 mà Ukraine sắp tiếp nhận.
Lính Nga kéo chiếc M1A1SA Abrams chiến lợi phẩm của Ukraine
Mỹ năm ngoái chuyển 31 xe tăng M1A1SA Abrams cho Ukraine sau nhiều tháng nước này đề nghị. Giới chức Ukraine khi đó nhận định mẫu xe tăng này sẽ là vũ khí quan trọng để quân đội nước này chọc thủng phòng tuyến Nga. Tuy vậy cuộc phản công mùa hè vừa qua của Ukraine đã thất bại.
Ukraine mất ít nhất 8 xe tăng M1 Abrams từ đầu năm nay, dù chúng được triển khai hạn chế và không tham gia các đợt tiến công hiệp đồng thẳng vào vị trí Nga. Binh sĩ Ukraine đầu tháng 4 cho biết xe tăng M1 Abrams giờ chỉ đảm nhận nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực từ xa, thay vì tham gia mũi xung kích trên tiền tuyến.
Lính Nga tiếp cận một chiếc M1A1SA Abrams của Ukraine
M1A1SA Abrams là phiên bản nâng cấp từ loại xe tăng chủ lực M1 Abrams do hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1985. Năm 1986, nó được đưa vào biên chế của quân đội Mỹ.
M1A1SA Abrams có lớp giáp bảo vệ tốt hơn so với phiên bản trước đó. Tháp pháo phía trước và giáp thân có thêm lớp giáp composite tiên tiến được gia cố bằng uranium để bảo vệ tốt hơn.
Một trong những cải tiến quan trọng nhất của xe tăng M1A1SA Abrams là được trang bị pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120mm, ban đầu được phát triển bởi Rheinmetall 2A5 của Đức. Khẩu pháo này có thể khai hỏa chính xác vào các mục tiêu ở khoảng cách 4 km.
Pháo sử dụng đạn xuyên giáp đặc biệt M829A2 được Mỹ phát triển để chống lại các xe tăng đối phương. Với cơ số đạn là 40 viên, trong đó có 34 viên đạn được cất giữ trong tháp pháo, trong khi 6 viên khác được cất giữ trong khoang chiến đấu.
Ngoài pháo chính là M256, M1A1SA Abrams còn trang bị hai khẩu súng máy M240D cỡ nòng 7,62 mm, một khẩu đồng trục, một súng lắp trên nóc do xạ thủ vận hành và súng máy Browning M250 12,7 mm do chỉ huy vận hành.
Theo BI, AFP, Reuters