Lo ngại 'thuế chồng thuế' với quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, doanh nghiệp lo ngại hiện tượng 'thuế chồng thuế' khi áp dụng quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Lo ngại hiện tượng “thuế chồng thuế”

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, một số ý kiến cho rằng, nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Một số ý kiến cho rằng, nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

Một số ý kiến cho rằng, nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

Cụ thể, theo ông Phạm Nguyên Hải – Giám đốc Pháp chế, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Thành viên của Tập đoàn Masan): Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một cấu thành lên nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản, và sẽ được nhà nước huy động sử dụng để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản. Ở khía cạnh công cụ kinh tế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải trả cho nhà nước để được thực hiện đặc quyền khai thác, thu hồi khoáng sản.

Tuy nhiên, ông Phạm Nguyên Hải cho rằng: Vấn đề hiện nay, nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì một doanh nghiệp hoạt động khoáng sản phải đóng rất nhiều các loại thuế và phí khác nhau, trong đó nhóm các loại thuế bao gồm thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; nhóm các loại phí và lệ phí bao gồm phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, phí điều tra, thăm dò khoáng sản (hoàn trả cho nhà nước), phí bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đối với cơ sở khai thác chế biến khoáng sản; và nhóm các loại tiền nộp ngân sách khác bao gồm tiền ký quỹ phục hồi môi trường, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đáng chú ý là về bản chất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên có tính chất giống nhau vì cùng đánh vào một đối tượng là khoáng sản nguyên khai chưa qua chế biến và dựa trên những căn cứ, phương pháp tính toán tương tự nhau, trong đó giá tính thuế tài nguyên đồng thời được dùng làm căn cứ để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Các quy định về xác định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay đã tạo ra hiện tượng "thuế chồng thuế", khiến rất nhiều doanh nghiệp hoạt động khoáng sản rơi vào tình cảnh khó khăn, kể cả các doanh nghiệp ở quy mô lớn.

Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế sẽ hạn chế các khiếu nại từ phía doanh nghiệp

Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế sẽ hạn chế các khiếu nại từ phía doanh nghiệp

Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế?

Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Nguyên Hải - đại diện Công ty Núi Pháo đề xuất, nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vì 3 lý do chính sau đây: Thứ nhất, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, công nhận trong phạm vi được cấp phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi trữ lượng là chưa phù hợp, vì trữ lượng phê duyệt có sai số theo từng cấp trữ lượng.

“Ngay cả với cấp trữ lượng ở mức cao nhất là cấp 111 thì mức độ tin cậy về địa chất phải đạt tối thiểu 80%, nghĩa là rủi ro vẫn còn lên đến 20%” – ông Phạm Nguyên Hải cho biết.

Thứ hai, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi tiến hành khai thác là rất bất hợp lý, vì có trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép nhưng không thể tiến hành khai thác do không giải phóng được mặt bằng khai trường, hoặc không thể khai thác do không có hiệu quả kinh tế, vì thị trường không có nhu cầu. Ngoài ra, trong giai đoạn chuẩn bị khai thác sau khi được cấp phép, doanh nghiệp rất cần kinh phí để đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, nhưng lại phải thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khi chưa phát sinh doanh thu từ hoạt động khai thác cũng sẽ tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn.

“Trên thực tế, tại các nước có công nghiệp khai khoáng phát triển như Australia, mọi khoản thuế phí đánh vào hoạt động khai thác chỉ được thu khi doanh nghiệp bắt đầu tiêu thụ sản phẩm khoáng sản” – đại diện Công ty Núi Pháo cho biết thêm.

Thứ ba, hiện trên thế giới cũng không có quốc gia nào quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ngoài Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở Trung Quốc được tính trên diện tích sử dụng để hoạt động khai thác khoáng sản với mức phí cố định, không tính dựa trên cơ sở trữ lượng được cấp phép khai thác như ở Việt Nam.

"Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sẽ hạn chế các khiếu nại từ phía doanh nghiệp trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không thể tiếp tục khai thác khoáng sản, hoặc phải khai thác cầm chừng do thị trường, hạn chế được tình trạng ngân sách nhà nước bị treo nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng không thu được từ các doanh nghiệp cũng như chưa có phương án giải quyết nợ đọng" - ông Phạm Nguyên Hải khẳng định.

Cũng liên quan đến quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, TS Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam cho rằng: Tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 103 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định "Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ về: Trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; Giá tính thuế tài nguyên khoáng sản".

Theo TS Lê Ái Thụ, điều này không phù hợp với bản chất, đặc thù của tài nguyên khoáng sản. Nếu áp dụng quy định này vào thực tiễn sẽ dẫn đến vừa tổn thất tài nguyên khoáng sản, vừa thất thu ngân sách. Đồng thời, quy định này sẽ tạo ra sự bất công rất lớn giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và mâu thuẫn với quy định tại khoản 8 Điều 4 của Dự thảo luật: “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản”.

Quy định tại điểm b khoản 1 Điều 103 tại Dự thảo cũng cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ giá tính thuế tài nguyên khoáng sản, điều này sẽ tạo ra tâm lý cho rằng, nhà nước lại đặt ra một loại thuế mới.

Trên cơ sở đó ông Lê Ái Thụ khẳng định, nếu có quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì chỉ chỉ định, tiền cấp quyền được tính trên sản lượng thực tế khai thác hàng năm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chính sách đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kể từ khi đi vào thực thi đến nay đã được thực tế chứng minh là không có hiệu quả, gây mất tính cạnh tranh cho môi trường đầu tư của ngành công nghiệp khoáng sản tại Việt Nam, vì vậy trong thời gian chuyển tiếp giữa Luật Khoáng sản 2010 và Luật Địa chất và Khoáng sản, để hạn chế những ảnh hưởng gây vướng mắc, bất cập của quy định cũ, Chính phủ nên khuyến khích áp dụng cơ chế thí điểm, theo đó có thể sửa đổi, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện đang có hiệu lực theo chủ trương mới ưu việt và hợp lý hơn của Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi luật này được Quốc hội thông qua.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lo-ngai-thue-chong-thue-voi-quy-dinh-thu-tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san-326685.html
Zalo