Lo ngại làn sóng lây nhiễm vi rút corona thứ hai khi châu Âu chuẩn bị sang mùa đông
Các chuyên gia ở Singapore cảnh báo về làn sóng lây nhiễm vi rút corona thứ hai có thể sẽ bùng phát khắp châu Âu và tình hình dịch bệnh ở châu lục này có thể trở nên tồi tệ trong những tháng tới, khi Bắc bán cầu sắp bước vào những tháng mùa đông.
Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng Châu Á Thái Bình Dương, cho biết, mặc dù không rõ liệu số lượng gia tăng là do xét nghiệm nhiều hơn hay nhiều trường hợp hơn, nhưng có khả năng số trường hợp sẽ tăng lên theo những tháng lạnh hơn.
Giáo sư Tambyah nói với The Straits Times rằng, các loại vi rút đường hô hấp phát triển mạnh vào mùa đông vì mọi người có nhiều khả năng tụ tập trong môi trường đông đúc trong nhà, tạo điều kiện cho việc lây truyền.
Phó Giáo sư Alex Cook, Phó Trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết, bệnh cúm theo mùa thường phổ biến hơn vào những tháng mùa đông và nếu Covid-19 và cúm cùng lưu hành sẽ gây thêm căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã nhiều gánh nặng.
Tuy nhiên, Giáo sư Cook vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng các biện pháp được sử dụng để ngăn chặn Covid-19, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội, cũng sẽ bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi rút đường hô hấp khác xâm nhập.
Giáo sư Cook cho biết tỷ lệ bao phủ vắc xin cúm cũng có thể tăng lên khi mọi người nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải bảo vệ mình. "Điều thực sự quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc cúm cao hơn là phải tiêm vắc-xin trong năm nay, đặc biệt là những người lớn tuổi."
Tuy nhiên, Giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng NUS 'Saw Swee Hock, cho biết, với các triệu chứng của Covid-19 và cúm tương tự nhau, mọi người có thể nhầm lẫn không biết họ bị cúm hay Covid-19 sẽ khiến Covid-19 lây lan nhanh hơn.
Vì vậy, các chuyên gia nhận định, tình hình dịch bệnh ở châu Âu thực sự phụ thuộc vào việc các chính phủ và người dân có cam kết kiểm soát, giám sát và thực thi các biện pháp để ngăn chặn sự lan truyền của virus corona trong cộng đồng hay không.
Theo các chuyên gia, hậu quả của dịch bệnh gia tăng có thể đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu và chuỗi cung ứng y tế. Do đó, Giáo sư Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng Châu Á Thái Bình Dương lưu ý: "Các quốc gia có thể buộc phải đổi mới và cân nhắc các biện pháp như 'giấy thông hành miễn trừ' hoặc các xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại các điểm nhập cảnh vì lệnh cấm đi lại kéo dài không có khả năng duy trì mãi mãi".