Lo ngại khi Brazil tiêu thụ thịt cá mập nhiều nhất thế giới

Brazil trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu và là một trong những nước tiêu thụ thịt cá mập lớn nhất trên thị trường toàn cầu trị giá ước tính 2,6 tỷ USD. Nhưng các nhà bảo tồn môi trường lo ngại rằng, hầu hết người dân nước này không nhận ra họ đang ăn… cá mập.

Cá mập xanh được nhập vào kho lạnh ở Cananeia, bang Sao Paul, Brazil

Cá mập xanh được nhập vào kho lạnh ở Cananeia, bang Sao Paul, Brazil

Trên cảng Cananeía, một thị trấn cách São Paulo 400km về phía nam, một chuyến hàng cá đông lạnh từ Uruguay vừa cập bến. Lô hàng là loài cá không có đầu, dán nhãn cá mập Galeorhinus galeus. Những con cá xám mỏng này sẽ giữ trong kho lạnh, chờ được chế biến và phân phối đi khắp nơi. “Tại sao chúng tôi chọn nhập cá mập? Bởi vì mọi người thích loại cá có protein tốt và rẻ, lợi nhuận không quá nhiều nhưng vừa đủ”, Helgo Muller, 53 tuổi, giám đốc công ty cho biết. Theo ông Helgo Muller, công ty họ chế biến khoảng 10 tấn mỗi tháng, chủ yếu là cá mập xanh nhập khẩu từ Costa Rica, Uruguay, Trung Quốc và Tây Ban Nha.

Các cộng đồng dọc theo bờ biển dài 7.400km của Brazil đã quen với món cá mập. Theo truyền thống, người Brazil dùng cá mập trong món hải sản hầm phổ biến ở bang Bahia và Espírito Santo. Nhiều cư dân Cananeía từ các thế hệ trước đã sử dụng nước luộc đầu cá mập và sụn làm phương thuốc tự chế. Đến nay, cá mập được bán dưới dạng phi lê hoặc bít tết, nó rẻ hơn các loại cá trắng khác, không xương và dễ nấu. Thậm chí, nó xuất hiện trong căng tin trường học và bệnh viện.

Trong khi những người dân ven biển có truyền thống ăn cá mập nhận ra sự khác biệt tinh tế về kết cấu và hương vị giữa các loài cá mập, thì đối với hầu hết người Brazil, đó chỉ là cação - một từ chỉ chung cho cả thịt cá mập và cá đuối. Nathalie Gil, Chủ tịch của tổ chức bảo tồn Sea Shepherd Brasil cho biết: “Người Brazil có rất ít thông tin - họ không biết cação là cá mập và ngay cả khi biết, họ cũng thường không biết rằng những loài động vật này đang có nguy cơ tuyệt chủng”. Việc dán nhãn chung chung sẽ cản trở những quyết định sáng suốt của người tiêu dùng.

Cá mập được bán trong chợ cá ở Peruibe, bang Sao Paulo, Brazil

Cá mập được bán trong chợ cá ở Peruibe, bang Sao Paulo, Brazil

Trước thực trạng đó, các nhà khoa học và nhà bảo vệ môi trường lo lắng rằng điều này sẽ tạo ra áp lực không bền vững đối với nhiều loài khác. Giáo sư Aaron MacNeil, thuộc Đại học Dalhousie của Canada, giải thích: “Cá mập rất dễ bị khai thác quá mức vì chúng không sinh sản nhiều như các loài cá xương khác”. Nghiên cứu được công bố vào tháng 4 cho thấy, 83% loài cá mập và cá đuối được bán ở Brazil đang bị đe dọa, theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Luật pháp Brazil không cho phép đánh bắt bất kỳ loài cá mập nào, nhưng chúng có thể bị mắc vào lưới dưới dạng không mong muốn. Ông Silva, ngư dân biết đi biển từ năm 12 tuổi, cho hay mọi người trong vùng quan niệm: “Người đánh cá phải kiếm sống. Lệnh cấm là vậy, nhưng nó không ngăn được khả năng cá mập bị mắc vào lưới khi ngư dân đi câu loại cá khác”.

Năm ngoái, chính phủ Brazil đã bổ sung thêm 5 loài cá mập vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng nên đôi khi người bán không thể bán hàng được nữa vì không rõ loại nào được phép. “Chúng tôi phải bán nó một cách bí mật, giống như ma túy,” người phụ nữ 48 tuổi nói. Để bảo vệ loài cá này, một dự luật được trình lên quốc hội Brazil năm ngoái đề nghị cação phải được dán nhãn là cá mập (hoặc cá đuối) ở mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất. Một dự luật khác đề xuất cấm mua cá mập trong các phiên đấu thầu công khai. Và lần đầu tiên, chính phủ nước này đã đưa ra hạn ngạch khai thác cá mập xanh trong các chuyến đánh bắt cá ngừ.

Nhưng những quy định này chỉ đạt hiệu quả khi thay đổi được quan điểm của người dân. Trong một so sánh, liệu người ta có bắt một con cá voi mắc vào lưới và ăn thịt hay không? Không bao giờ, bởi vì điều đó là bất hợp pháp, và quan trọng hơn, ai cũng coi cá voi là loài cá linh thiêng không bao giờ đụng tới.

Theo Guardian

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lo-ngai-khi-brazil-tieu-thu-thit-ca-map-nhieu-nhat-the-gioi-post582396.antd
Zalo