Lo ngại đề xuất miễn học phí ngành Y khiến điểm chuẩn cao lại càng cao

Trong khi một số người cho rằng đề xuất này hợp lý, giúp học sinh nghèo có cơ hội vào trường y, số khác cho rằng không nên như vậy vì sẽ tăng độ cạnh tranh vào ngành vốn hot này.

 Bộ Y tế đề xuất miễn học phí ngành Y. Ảnh minh họa: Đại học Phan Châu Trinh.

Bộ Y tế đề xuất miễn học phí ngành Y. Ảnh minh họa: Đại học Phan Châu Trinh.

Trong báo cáo hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025, Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để sinh viên Y, Dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập. Việc này nhằm thu hút nhân lực khi ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng.

Đề xuất được ủng hộ

Nếu theo đề xuất này, cùng với việc cấp sinh hoạt phí, sinh viên ngành Y, Dược sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo. Năm học 2024-2025, mức này dao động từ hơn 27-200 triệu đồng tùy ngành, tùy trường.

Tại Quốc hội hồi cuối tháng 5, đại biểu Trần Khánh Thu, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình, cũng từng đề xuất Nhà nước hỗ trợ học phí cho sinh viên y khoa với điều kiện chịu sự phân công công tác sau khi ra trường.

 Nhiều người ủng hộ đề xuất miễn học phí cho sinh viên trường y. Ảnh minh họa: VLU.

Nhiều người ủng hộ đề xuất miễn học phí cho sinh viên trường y. Ảnh minh họa: VLU.

Trước đề xuất trên, Phạm Toàn (sinh viên năm 2, Đại học Y Hà Nội) khấp khởi vui mừng. Toàn cho biết hiện tại, học phí của em là 55,2 triệu đồng/năm học, mỗi năm sẽ tăng 8-12%. Nam sinh cho hay dù vẫn được bố mẹ hỗ trợ, mỗi lần nhận thông báo đóng học phí, Toàn đều ái ngại vì con số không hề nhỏ.

“Học phí cũng là rào cản lớn với những bạn muốn theo đuổi ngành Y. Nếu không có điều kiện, các bạn sẽ chấp nhận chọn các trường có học phí rẻ hơn, hoặc ngành có học phí thấp hơn ở trường Y để tiết kiệm chi phí”, Toàn chia sẻ.

Ngoài áp lực về tài chính, sinh viên ngành Y cũng gặp áp lực cả về thể chất và tinh thần. Thời gian học ngành Y cũng dài hơn so với ngành khác và đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.

“Thực tế, ngành nào cũng có khó khăn nhất định, nhưng ngành Y, Dược liên quan đến sức khỏe con người, nên em nghĩ sẽ tốt hơn khi có thêm hỗ trợ”, nam sinh nói.

Chính vì vậy, Toàn ủng hộ với đề xuất miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí nói trên. Loại bỏ được áp lực kinh tế, sinh viên sẽ yên tâm học hành để nâng cao tay nghề. Dù vậy, nam sinh cũng băn khoăn liệu việc miễn học phí có đẩy điểm chuẩn vào trường lên cao hơn hiện nay. Ngoài ra, nếu miễn học phí, liệu cơ sở vật chất, tổ chức sự kiện, hội thảo có còn được đảm bảo?

Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít người cũng đồng quan điểm với Toàn. Họ cho rằng nếu xét, độ quan trọng của ngành Y không thua kém ngành Sư phạm, thậm chí có phần hơn vì đảm bảo sức khỏe cho con người.

“Đỗ ngành Y hiện nay đã rất khó, nhưng học phí lại quá cao, đó là vấn đề nan giải với phụ huynh và sinh viên ngành Y. Vì vậy, đề xuất miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí là hợp tình, hợp lý và rất nhân văn”, một người cho hay.

Một phụ huynh cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Người này cho biết con chị cũng đang theo học ngành Y và sắp tốt nghiệp. Bản thân người mẹ mong rằng đề xuất miễn học phí ngành Y có thể được áp dụng cho các sinh viên khóa sau nhằm tìm được người tài, tâm huyết để cứu chữa bệnh nhân.

Nhưng còn nhiều học sinh, sinh viên băn khoăn

Trong khi đó, Quốc Dũng (sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao) lại băn khoăn trước đề xuất này.

Dũng hiện theo học ngành Kinh tế quốc tế, học phí khoảng hơn 40 triệu đồng/năm học. Mức này so với học phí một số trường công lập đào tạo ngành Y thì cũng không hề thấp. Trong khi đó, học phí ngành Kinh tế tại các trường tư cũng có thể cao hơn. Vì vậy, nam sinh cho rằng việc miễn học phí cho sinh viên ngành Y có thể gây bất công với ngành nghề khác.

Theo nam sinh, ngành Y vốn là ngành học hot dù học phí cao. Hàng năm, lượng thí sinh đăng ký vào trường y rất lớn, điểm chuẩn thường rất cao. Bên cạnh đó, thực tế, dù phải bỏ ra khoản chi phí lớn và nhiều thời gian học hơn, nhưng triển vọng nghề nghiệp của sinh viên ngành Y rõ ràng rất lớn.

“Trong khi đó, các ngành nghề liên quan đến kinh tế có thể đối diện với khả năng thất nghiệp cao hơn, kể cả khi có bằng cấp đầy đủ”, Dũng chia sẻ.

 Đề xuất miễn học phí ngành Y vẫn vấp phải nhiều phản đối từ học sinh, sinh viên. Ảnh minh họa: Đại học Phenikaa.

Đề xuất miễn học phí ngành Y vẫn vấp phải nhiều phản đối từ học sinh, sinh viên. Ảnh minh họa: Đại học Phenikaa.

Theo Dũng, đề xuất này nêu ra trong bối cảnh ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng, nhất là tại các cơ sở y tế công lập. Nam sinh cho rằng vấn đề cần giải quyết không phải thu hút đầu vào các trường Y, mà là thu hút nhân lực ở lại với ngành Y - đó là tăng lương, tăng phúc lợi.

Nếu miễn học phí cho sinh viên Y, Dược, Dũng cho rằng điều này sẽ làm tăng áp lực lên ngân sách nhà nước. Ngoài ra có thể khiến điểm đầu vào ngành Y ngày một lạm phát.

“Tuy miễn học phí chưa thực sự hợp lý, em nghĩ việc hỗ trợ sinh hoạt phí là đúng đắn. Sinh viên ngành Y phải bỏ nhiều sức khỏe để học trên lớp, đi trực viện, ôn thi cường độ cao… Chính vì vậy, có một khoản hỗ trợ sinh hoạt phí sẽ giúp các bạn yên tâm hơn”, Dũng đánh giá.

Không riêng sinh viên, học sinh sắp thi vào trường y cũng có những trăn trở nhất định. Linh Chi, học sinh lớp 12 tại TP.HCM, nói rằng em không hiểu vì sao Bộ Y tế lại đề xuất miễn học phí cho sinh viên y trong khi ngành này đang hot, lượng thí sinh đăng ký hàng năm luôn đông và có tỷ lệ chọi cao.

Nữ sinh lấy ví dụ với ngành Sư phạm - ngành thiếu nhân lực trầm trọng, Nhà nước mới đưa ra phương án miễn học phí để thu hút người học. Còn với ngành Y, Linh Chi sợ rằng nếu đề xuất miễn học phí được “hiện thực hóa”, số người đăng ký học ngành này có thể tăng vọt và gây mất cân bằng tuyển sinh.

“Học y đắt đỏ, mất thời gian nhưng hiện tại số người theo học vẫn rất đông, điểm chuẩn hàng năm vẫn luôn cao. Em chưa dám tưởng tượng nếu miễn học phí, số người đăng ký vào ngành Y sẽ đông đến mức nào, điểm chuẩn trúng tuyển sẽ lạm phát ra sao”, nữ sinh bày tỏ lo lắng.

Tương tự, Yến Nhi, học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh, nói rằng em không ủng hộ đề xuất miễn học phí. Thay vào đó, em mong muốn sinh viên y có thể được giảm một phần học phí để bớt gánh nặng khi theo đuổi ngành này. Nếu đề xuất miễn học phí thực sự xảy ra, em sẽ khá lo vì khi đó, số lượng người đăng ký vào các trường y sẽ tăng cao, kéo theo tỷ lệ chọi căng thẳng hơn.

“Em nghiêng về phương án giảm hơn là miễn. Nếu có đề xuất giảm học phí, em hy vọng sinh viên y sẽ được giảm khoảng 40% và kèm theo một số tiêu chí liên quan thành tích học tập của sinh viên hoặc thu nhập của gia đình, ví dụ các bạn hộ nghèo sẽ được ưu tiên giảm học phí”, Yến Nhi nói.

Linh Chi cũng ủng hộ đề xuất giảm học phí, đồng thời mong muốn các trường đại học cân nhắc “mở rộng quy mô” học bổng dành cho sinh viên khó khăn và sinh viên giỏi.

Nữ sinh tin rằng thay vì miễn học phí rồi đặt ra yêu cầu ràng buộc sau khi ra trường như ngành Sư phạm, ngành Y chỉ nên khuyến khích tinh thần học tập của sinh viên bằng học bổng. Điều này vừa mang giá trị khuyến khích, vừa là “sự đảm bảo” để sinh viên yên tâm học hành và cống hiến.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/lo-ngai-de-xuat-mien-hoc-phi-nganh-y-khien-diem-chuan-cao-lai-cang-cao-post1521709.html
Zalo