Lo ngại các vụ đánh cắp cổ vật và đào trộm mộ cổ
Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại của các vụ đánh cắp cổ vật và đào trộm mộ cổ, gây tổn thất nghiêm trọng cho di sản văn hóa quốc gia. Việc bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, nhằm bảo tồn những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của dân tộc.
Xót xa những vụ đào mộ cổ
Các ngôi mộ cổ, đặc biệt là những mộ có giá trị lịch sử và văn hóa đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm mộ phần vào ngày 5/1/2025. Tại hiện trường còn vương vãi lớp đất đá do việc đào mộ để lại. Lỗ đào mộ dù đã lấp lại nhưng vẫn còn rất mới, không rõ cụ thể phần mộ của Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào sâu xuống bao nhiêu mét. Đây không phải lần đầu tiên lăng mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị xâm hại. Trước đó, khu lăng mộ này từng bị kẻ xấu đào trộm dưới thời chiến tranh để tìm kiếm vàng bạc, châu báu.
Không chỉ lăng mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát mà nhiều lăng mộ của các chúa Nguyễn, hoàng thân, thậm chí là mộ vua nhà Nguyễn cũng từng bị nạn trộm mộ xâm hại để tìm kiếm kho báu, vàng bạc, ngọc ngà… Tiêu biểu như vụ việc lăng Hoàng Thái hậu Từ Dũ bị đào trộm vào những năm 1980, lăng Vĩnh Mậu (mẹ Chúa Nguyễn Phúc Chu) bị đào trộm năm 1990… Cũng năm 1990, lăng Vĩnh Thái (vợ Chúa Nguyễn Phúc Khoát, bà nội Vua Gia Long) cũng bị đào trộm, xâm hại… Bồi Lăng của Vua Kiến Phúc, An Lăng của Vua Dục Đức, lăng Kiên Thái vương và lăng Trường Phong của Chúa Nguyễn Phúc Chu… đều đã bị đào trộm, xâm hại. Đêm 19/11/2013, tại thôn Thị Trung, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, kẻ gian đã đào trộm mộ cổ của Chúa Bà, lấy đi 4 tấm ván gỗ thiên.
Sau ba tháng thực hiện cuộc khai quật khảo cổ Phụ Sơn lăng - lăng tẩm của Vua Trần Dụ Tông và Nguyên Lăng - lăng tẩm của Vua Trần Nghệ Tông, các nhà khảo cổ đau xót phát hiện ra, di tích Nguyên Lăng vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước từng bị đào trộm. Phần nền của khu trung tâm mộ bị phá hủy gần như toàn bộ. Theo các nhà khoa học, những kẻ trộm đã đào sâu xuống huyệt mộ, làm bật lên rất nhiều than tro và gỗ, trong đó có các súc gỗ lớn dài 3 - 5m. Ở trung tâm lăng, hiện vật còn lại chỉ là gạch ngói, than tro, vôi bột, mẩu gỗ vụn và hợp chất vốn được sử dụng phổ biến ở các ngôi mộ thời Trần...
Đau lòng các cổ vật bị “chảy máu”
Vấn nạn đánh cắp cổ vật ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến di sản văn hóa của quốc gia. Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay đã có 20 di tích tại Hà Nội đã bị mất hàng trăm cổ vật, hiện vật, di vật quý... Tương tự Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, hơn 15 năm qua, trên địa bàn đã xảy ra 62 vụ đạo chích trộm cắp tại di tích, hàng trăm cổ vật như tượng, sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích, lư hương... đã “không cánh mà bay”. Nhiều địa phương khác như tỉnh Khánh Hòa, TP Hải Phòng, Thái Bình, TP HCM, TP Huế... cũng bị trộm đột nhập, lấy đi nhiều cổ vật quý. Những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn TP Huế (Thừa Thiên Huế) liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản tại di tích, đình làng, nhà thờ… khiến người dân lo lắng, bức xúc. Tài sản bị đánh cắp thường là vật có giá trị gồm các bức liễn, hoành, lư đồng, đèn thờ, bộ tam sư, hạc bằng đồng... có tuổi đời lên đến cả trăm năm.
Ngoài thiệt hại về kinh tế ước tính nhiều tỷ đồng, những tổn thất giá trị tinh thần, nghệ thuật khó có thể đo đếm bởi hầu hết cổ vật đều là linh vật đối với mỗi di tích, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, thẩm mỹ cao... Cơ quan Công an cũng đã triệt phá, bắt giữ nhiều siêu trộm tại các đình làng, chùa, nơi thờ tự, thế nhưng đáng ngại là thực trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân có phần do công tác quản lý, bảo vệ các cổ vật tại nhiều đình làng, chùa, di tích vẫn còn rất lỏng lẻo. Đa số các chốn tâm linh từng bị trộm đột nhập hoặc chưa bị đột nhập đều có đặc điểm là hệ thống tường rào cửa, khóa còn mang tính tạm bợ.
Dù nạn trộm cắp cổ vật diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng thực tế vẫn có khá nhiều di tích lịch sử - văn hóa, nơi thờ tự có quy mô lớn, có nhiều cổ vật nhưng không có phương án bảo vệ chu đáo.
Theo các chuyên gia văn hóa, có nhiều bất cập dẫn đến tình trạng này như việc thiếu nguồn lực giám sát; cơ quan chức năng không đủ nhân lực và kinh phí để kiểm tra, bảo vệ các di tích trên phạm vi rộng. Hệ thống hồ sơ di sản và cổ vật còn chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc truy vết cổ vật bị đánh cắp. Ngoài ra, việc xử lý chưa đủ sức răn đe. Một số vụ việc bị phát hiện nhưng mức phạt nhẹ, dẫn đến tình trạng tái phạm.
Để đối phó với tình trạng này, các địa phương cần lập danh mục và hồ sơ chi tiết về các di tích, cổ vật và mộ cổ. Tăng cường áp dụng công nghệ như GPS, camera giám sát để bảo vệ di tích; Phối hợp với Interpol và các tổ chức quốc tế để truy tìm, thu hồi cổ vật bị đánh cắp; Tham gia các công ước quốc tế như Công ước UNESCO về chống buôn lậu di sản văn hóa; Tăng mức phạt hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các đối tượng tổ chức hoặc tiêu thụ cổ vật trái phép. Đưa các vụ việc điển hình ra xét xử công khai nhằm răn đe và giáo dục cộng đồng. Ngoài các biện pháp pháp lý, việc tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của di sản văn hóa và trách nhiệm bảo vệ di sản là yếu tố không thể thiếu; cần khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm và tham gia vào việc giám sát, bảo vệ di sản tại địa phương…