Lo ngại bủa vây kế hoạch 'máy bay sát thủ' AI của Boeing

'Máy bay sát thủ' không người lái MQ-28 Ghost Bats được Boeing lên kế hoạch sản xuất cho quân đội Mỹ.

Sau thất bại của tàu vũ trụ Boeing Starliner khiến 2 phi hành gia NASA mắc kẹt ngoài không gian suốt nhiều tháng qua, ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại bủa vây kế hoạch về máy bay sát thủ MQ-28 Ghost Bats của gã khổng lồ hàng không vũ trụ Mỹ.

MQ-28 Ghost Bats là loại máy bay không người lái tiên tiến, được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), dự kiến đem lại cho quân đội Mỹ một đội chiến đấu cơ robot mạnh mẽ.

Tuy vậy, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Steven Feldstein bày tỏ lo ngại với tờ Daily Mail: "Thành tích của Boeing dường như không chứng tỏ họ là công ty tốt nhất để thực hiện loại hình này".

Nguyên mẫu của MQ-28 Ghost Bats - Ảnh: BOEING

Nguyên mẫu của MQ-28 Ghost Bats - Ảnh: BOEING

Phát ngôn trên được đưa ra sau một năm tồi tệ của Boeing, khởi đầu bằng sự cố rơi một mảnh thân máy bay do hãng hàng không Alaska Airlines của Mỹ khai thác.

Nối tiếp là một loại sự cố khác bao gồm rơi bánh đáp, rơi tự do một đoạn trên không, cháy động cơ...

Cuối cùng là tàu vũ trụ Boeing Starliner, với nhiều lần hoãn phóng, sau đó là gặp sự cố ngay trên hành trình đến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) và khiến 2 phi hành gia bị mắc kẹt trên trạm ít nhất đến đầu năm sau.

Trước đó, trong các năm 2018 và 2019, một sự cố kỹ thuật cũng khiến 2 máy bay Boeing 737 MAX 8 bị rơi và khiến 346 người thiệt mạng.

Feldstein, người đã viết về mối đe dọa về mặt đạo đức của chiến tranh AI cho tạp chí The Bulletin of Atomic Scientists, lưu ý rằng lịch sử của Boeing trong lĩnh vực quốc phòng cũng gây ra những lo ngại tương tự.

Ông cho biết các sản phẩm của hãng máy bay này có vẻ như bị đội giá và chỉ đạt được hiệu quả không đáng kể.

Bà Mary Wareha, Giám đốc vận động cho bộ phận vũ khí của tổ chức phi lợi nhuận Human Rights Watch, đã đặt câu hỏi về toàn bộ tiền đề của các hợp đồng mà Boeing đang cạnh tranh ngay từ đầu, sản xuất thứ mà Lầu Năm Góc gọi là "vũ khí tự động gây chết người".

Bà Wareha bình luận rằng việc giao phó chức năng "sát thủ" cho máy móc có thể là điều vượt qua ranh giới đạo đức.

Đối với kế hoạch Ghost Bats, hiện tại 2 nguyên mẫu của dòng "máy bay sát thủ" này đã được chế tạo và được Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) thử nghiệm.

Trong đó, ít nhất 1 nguyên mẫu được chuyển đến Mỹ để thử nghiệm và tích hợp riêng.

Với một khoang rộng bên trong mũi máy bay, chứa được các loại tải trọng khác nhau, Ghost Bats của Boeing một ngày nào đó có thể mang theo nhiều loại bom và đạn dược, bao gồm nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Theo lý thuyết, khoang chứa bom của Ghost Bat có thể thoải mái chứa nhiều đầu đạn kiểu W80, mỗi đầu đạn mạnh hơn 7 lần so với quả bom nguyên tử 21 kiloton mà Mỹ từng thả xuống Nagasaki - Nhật Bản.

Theo tờ thông tin của Boeing, các nguyên mẫu hoạt động hiện tại của Ghost Bat ở cả Úc và Mỹ dài gần 12 m, có thể bay hơn 3.700 km và hiện đã có khả năng sử dụng "bộ não" AI để bay độc lập.

Các "sát thủ" AI này dự kiến có giá 30 triệu USD mỗi chiếc, nhưng Lầu Năm Góc vẫn đang xem xét các mức giá từ các đối thủ cạnh tranh của Boeing cho phiên bản cuối cùng.

Bất chấp các tranh cãi nói trên, RAAF có vẻ tin tưởng dòng máy bay này khi trả hơn 500 triệu USD để mua thêm 3 chiếc nữa, cũng như tài trợ cho cơ sở hạ tầng sản xuất ngay tại Úc.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lo-ngai-bua-vay-ke-hoach-may-bay-sat-thu-ai-cua-boeing-196240925165318935.htm
Zalo