Lỗ hổng an toàn hàng không nhìn từ vụ va chạm máy bay thảm khốc tại Mỹ

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy máy bay trực thăng đã bay không đúng tuyến đường, trong khi chỉ có một kiểm soát viên không lưu hướng dẫn cả hai máy bay.

Góc quay mới về thảm kịch rơi máy bay ở Mỹ CNN ngày 31/1 công bố hai video cho thấy các góc quay mới về vụ va chạm giữa máy bay chở khách và trực thăng quân sự tại thủ đô Washington, Mỹ hai ngày trước đó.

Khi nước Mỹ chưa hết bàng hoàng về vụ va chạm giữa trực thăng quân sự và máy bay chở khách của American Airlines - xảy ra gần sân bay Ronald Reagan hôm 29/1 và khiến 67 người thiệt mạng - các nhận định ban đầu cho thấy hàng loạt quy định về an toàn hàng không đã có lỗ hổng.

Máy bay trực thăng bay chệch khỏi tuyến đường được phê duyệt. Phi công máy bay dân dụng dường như không nhìn thấy trực thăng khi chuyển hướng hạ cánh. Nhân viên kiểm soát không lưu khi đó phải đảm trách hai nhiệm vụ một lúc, theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) và trả lời phỏng vấn New York Times của các nhân vật liên quan.

FAA cho biết họ vẫn đang trong quá trình điều tra - thường sẽ mất nhiều tháng. Tuy vậy, vụ việc là bằng chứng cho thấy các lỗ hổng vẫn đang tồn tại và đã gây ra thảm kịch.

Thiếu kiểm soát viên không lưu

Ở thời điểm xảy ra tai nạn, chỉ có một nhân viên điều tiết không lưu phụ trách cả các máy bay cánh bằng và trực thăng.

Thông thường, các vai trò này sẽ do hai người đảm nhiệm trước 21h30 - khi số lượng máy bay giảm bớt. Tuy nhiên, quản lý đã cho phép một người ra về trước đó (vụ tai nạn xảy ra vào khoảng trước 21h, giờ địa phương).

Báo cáo của FAA nhận định việc sắp xếp nhân viên như vậy “không phải điều bình thường với thời điểm trong ngày và lưu lượng giao thông”, theo báo cáo sơ bộ.

Kiểm soát viên không lưu cũng sử dụng tần số khác nhau để liên lạc với phi công trực thăng và phi công máy bay cánh bằng. Do đó, các phi công ở hai máy bay gặp nạn không nghe được nhau.

Trả lời New York Times, một số kiểm soát viên và cựu kiểm soát viên không lưu nhận định nhân viên kiểm soát đáng lẽ ra cần chủ động hơn trong điều hướng hai máy bay. Thay vào đó, người này chỉ yêu cầu trực thăng tránh xa máy bay.

 Nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại Câu lạc bộ Trượt băng Boston. Hai thành viên, hai phụ huynh và hai huấn luyện viên của câu lạc bộ đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Ảnh: New York Times.

Nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại Câu lạc bộ Trượt băng Boston. Hai thành viên, hai phụ huynh và hai huấn luyện viên của câu lạc bộ đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Ảnh: New York Times.

Đêm tối cũng là nguyên nhân có thể khiến các phi công khó đánh giá đúng khoảng cách giữa máy bay. Một số thậm chí cho rằng phi công trực thăng nhầm một máy bay khác là máy bay của American Airlines.

Các lỗ hổng an toàn hàng không tại Mỹ đang ngày càng được phát hiện nhiều trong những năm gần đây, theo New York Times, dẫn tới nhiều vụ việc tiềm ẩn nguy cơ va chạm trên bầu trời. Một trong những nguyên nhân là tình trạng quá tải tại các cảng hàng không lớn nhất nước Mỹ - bao gồm sân bay Reagan.

Sân bay Reagan cũng phải đối mặt với vấn đề đặc thù: Do mật độ máy bay quân sự tương đối lớn, việc kiểm soát không lưu trở nên phức tạp hơn.

Trong khi đó, ngành hàng không Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu hụt kiểm soát viên không lưu - buộc nhiều người phải làm việc 10 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Sân bay Reagan cũng không phải ngoại lệ. Một người phát ngôn của FAA nói sân bay có 25 kiểm soát viên có chứng nhận, trong khi mục tiêu là 28 người.

Câu hỏi với máy bay

Lộ trình của máy bay trực thăng cũng là câu hỏi chưa có lời giải. Đáng lẽ ra, chiếc trực thăng phải bay gần bờ sông Potomac hơn và giữ độ cao thấp hơn.

Trước khi trực thăng bay vào bất kỳ vùng trời đông đúc nào, kiểm soát viên không lưu cần cho phép. Trong vụ việc lần này, phi công trực thăng đã xin phép bay theo một đường bay định sẵn dọc bờ Đông sông Potomac với độ cao thấp - được gọi là đường bay số 4.

Nếu bay đúng như vậy, trực thăng đã tránh được máy bay. Phi công trực thăng cũng đã xác nhận nhìn thấy một máy bay thương mại. Do đó, kiểm soát viên không lưu đề nghị trực thăng sử dụng đường bay này và bay phía sau máy bay thương mại.

Tuy vậy, máy bay trực thăng đã không tuân thủ đường bay. Trực thăng giữ độ cao trên 90 m - dù đáng lẽ ra phải bay dưới 60 m. Khoảng cách với đường bay khi va chạm cũng lệch ít nhất nửa dặm (khoảng 800 m).

 Đồ họa thể hiện đường bay của hai máy bay trước thảm họa. Nguồn: Dữ liệu chuyến bay của Flightradar24 và ADS-B Exchange/Hình ảnh trên không của Airbus.

Đồ họa thể hiện đường bay của hai máy bay trước thảm họa. Nguồn: Dữ liệu chuyến bay của Flightradar24 và ADS-B Exchange/Hình ảnh trên không của Airbus.

Một sĩ quan cấp cao trong Lục quân Mỹ cho rằng cần đánh giá thận trọng trước khi hộp đen của trực thăng được tìm thấy và phân tích. Ông cho biết các phi công từng sử dụng đường bay này trước đây và hiểu rõ hạn chế chiều cao và khoảng cách mà họ được phép bay.

Trong khi đó, máy bay chở khách đã được yêu cầu đổi đường bay ngay trước khi hạ cánh, kiến tình hình càng thêm phức tạp. Ban đầu, máy bay được yêu cầu hạ cánh ở đường băng số 1. Sau đó, kiểm soát viên không lưu thay đổi yêu cầu sang đường băng số 33.

Phi công cũng đã đồng ý với thay đổi này. Đường băng 33 ngắn hơn, đòi hỏi phi công phải tập trung cao độ hơn.

Đây không phải điều hiếm gặp tại sân bay Reagan. Các chuyến bay quy mô nhỏ như máy bay của American Airlines thường xuyên đổi đường băng để tránh gây ùn tắc đường băng chính. Vụ việc làm dấy lên câu hỏi về tình trạng ùn tắc tại sân bay Reagan.

Giám đốc điều hành American Airlines Robert Isom cho biết cơ trưởng máy bay thương mại đã làm việc cho PSA Airlines - công ty con của American Airlines - gần sáu năm. Cơ phó đã làm việc gần hai năm.

“Họ là những phi công kinh nghiệm”, ông Isom nói.

Góc quay mới về thảm kịch rơi máy bay ở Mỹ CNN ngày 31/1 công bố hai video cho thấy các góc quay mới về vụ va chạm giữa máy bay chở khách và trực thăng quân sự tại thủ đô Washington, Mỹ hai ngày trước đó.

Hà Thủy

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-da-xay-ra-trong-tham-kich-roi-may-bay-o-my-post1528477.html
Zalo