Lo hóa chất độc hại trôi nổi bán tràn lan trên không gian mạng

Tình trạng lợi dụng mạng xã hội, thương mại điện tử để rao bán hóa chất nguy hiểm, nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy, nổ diễn ra phổ biến trong khi dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đang để lọt hành vi này.

Hôm nay (8/5), Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Quản lý hóa chất là một trong những vấn đề được đại biểu quốc hội và người dân quan tâm nhất.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa).

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa).

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, việc sửa Luật Hóa chất là rất cần thiết, nếu nhìn vào thực tiễn quản lý hóa chất hiện nay, bởi việc các chất độc đang lưu hành trên thị trường gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự an toàn của người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Điều 3 dự thảo Luật Hóa chất về hành vi bị nghiêm cấm vừa chung chung vừa thiếu. Ví dụ, hiện người dân đang rất lo lắng về vấn đề hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất nhập lậu, xuất, nhập khẩu hóa chất không bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật nhưng trong Điều 3 về các hành vi bị nghiêm cấm lại chưa có nội dung này.

"Điều mà tôi quan tâm và có lẽ cử tri cũng rất quan tâm, đó chính là sử dụng hóa chất trong cuộc sống, từ sản xuất lương thực, thực phẩm cho tới hàng tiêu dùng. Chúng ta cũng đã nhìn thấy hàng loạt sự cố liên quan tới quản lý hóa chất. Hiện nay, hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất vượt ngưỡng rất phổ biến. Do đó, các quy định về những điều cấm cần cụ thể hơn nữa. Tôi đề nghị tách quy định về sử dụng hóa chất thành các khoản và ghi cụ thể hơn, các nội dung khác cũng nên cụ thể", đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị.

Cùng chung lo lắng này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, quy định về các hành vi cấm trong dự thảo (cấm các hành vi sản xuất kinh doanh trái phép hóa chất, sửa chữa, làm giả giấy phép, cung cấp thông tin sai lệch, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc) là chưa đầy đủ. Hiện nay tình trạng lợi dụng nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để rao bán, quảng bá hóa chất nguy hiểm, nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy, nổ diễn ra rất phổ biến. Các hành vi này ẩn danh khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng rất lớn nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong hành vi nghiêm cấm.

Đại biểu đề xuất bổ sung khoản mới vào Điều 3 hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật. Đồng thời, kiến nghị bổ sung quy định giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) kiến nghị bổ sung một hành vi cấm nữa là sử dụng hóa chất độc hại, tác động trực tiếp lên giống cây trồng không theo đúng quy trình bảo vệ thực vật, làm ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Vấn đề này hiện nay diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Về phân loại ghi nhãn hóa chất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện lại việc phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị trường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định. Lý do là để xác định trách nhiệm của các bên phát hiện và bên cập nhật thông tin, tăng cường tính kịp thời, giảm nguy cơ lưu hành hóa chất với thông tin cũ về đặc tính nguy hiểm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, có thể giám sát việc cập nhật thông tin về hóa chất nguy hiểm.

Đối với hóa chất nguy hiểm, có ý kiến cho rằng dự thảo chưa thể hiện được nội dung liên quan đến kinh doanh các chất độc như xyanua, thủy ngân, các chất tiền ma túy... có thể gây chết người; đề nghị bổ sung quy định về việc quản lý đối với các loại hóa chất này.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Dự thảo luật, các chất độc như xyanua, thủy ngân, các chất tiền ma túy là hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, do đó, chủ thể kinh doanh các hóa chất này phải tuân thủ các quy định kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát, đồng thời cần có sự cho phép, theo dõi, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những hành vi này được quy định tại khoản 1 Điều 3 là hành vi “kinh doanh trái pháp luật về hóa chất”.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày cho rằng, dự thảo luật đã có một số quy định nhằm thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” tại Kết luận số 36-KL/TW như: Quy định về quản lý hoạt động hóa chất; quy định khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, tồn trữ hóa chất tới khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt. Các quy định nêu trên nhằm hạn chế tối đa tác động xấu của hóa chất tới nguồn nước.

Dự thảo cũng có các quy định thể chế hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” như áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị.

Để cụ thể hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, Dự thảo Luật quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm hóa chất cơ bản, sản phẩm hóa dầu, hóa dược, phân bón, dự án đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất… để hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn…

Tuy vậy, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản xuất; bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn và áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc, quản lý vận chuyển qua “hóa đơn điện tử”, dấu vết sản phẩm… vì các quy định của Dự thảo Luật liên quan đến các loại hóa chất này vẫn còn chưa cụ thể và chưa thể hiện được tính nghiêm khắc khi xử lý vi phạm

Đại biểu Trần Khánh Thu dẫn Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung năm 2018 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ mặc dù đã có những quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua. Trong Nghị định này không có quy định về xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý… Đồng thời, các quy định hiện hành cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán.

“Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường và trên thực tế trong thời gian vừa qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất”, đại biểu Trần Khánh Thu nói. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát và thống nhất quy định trong nghị định rõ các nhóm hóa chất theo đúng như Dự thảo Luật đang xây dựng.

Đại biểu thông tin thêm, ở nhiều quốc gia, danh mục xyanua được phân cấp quản lý phù hợp theo mức độ nguy hiểm, mục đích sử dụng từng loại; vì xyanua có các dạng khác nhau và sử dụng trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong y tế. Do đó, đề nghị bổ sung quy định, doanh nghiệp muốn sản xuất/nhập khẩu xyanua phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng, cam kết biện pháp quản lý rủi ro.

Trao đổi thêm về vấn đề này, có đại biểu đề nghị biện pháp kiểm soát mua bán chất cấm bằng phiếu. Bởi trong giai đoạn phát triển của xã hội hiện nay, sự bùng nổ của khoa học công nghệ thì cần nghiên cứu thêm phương án quản lý phù hợp, đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi bên cạnh việc kiểm soát như giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin là một giải pháp tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lo-hoa-chat-doc-hai-troi-noi-ban-tran-lan-tren-khong-gian-mang-d280255.html
Zalo