Lo hàng giả, người tiêu dùng tìm mua dầu phộng ép thủ công
Các vụ việc gần đây cho thấy dầu ăn giả chủ yếu được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể
Liên tiếp những vụ phát hiện thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh giả trên thị trường đã khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin vào các sản phẩm công nghiệp. Từ sữa, kẹo, dầu ăn đến thuốc, mỹ phẩm… đều xuất hiện hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chị Bùi Thị Hân (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) có con nhỏ nên quyết định gọi điện về quê nhờ ông bà ép dầu phộng thủ công gửi vào dùng dần. “Trước đây, tôi chỉ lấy 2-5 lít cho đỡ nhớ hương vị quê. Giờ thì xài quanh năm, vì sợ dầu đóng chai ngoài thị trường không bảo đảm” - chị Hân nói.
Theo chị Hân, năm nay đậu phộng được mùa nhưng giá dầu phộng vẫn tăng lên 110.000 đồng/lít (năm ngoái chỉ 90.000-100.000 đồng/lít) do nhu cầu quá lớn. “Ở quê, dầu phộng ép thủ công giờ cũng ‘cháy hàng’ vì ai cũng ép để tặng hoặc bán cho người quen ở thành phố” - chị Hân thông tin thêm.
Các vụ việc gần đây cho thấy dầu ăn giả chủ yếu được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể. Điều này càng khiến người tiêu dùng e ngại, hạn chế ăn uống ngoài gia đình.

Dầu ăn giả bị triệt phá gần đây
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp sữa chia sẻ đang gặp khó khăn quá lớn trong việc tiêu thụ vì người tiêu dùng nghe đến sữa giả trên thị trường nên không dám mua về sử dụng. Do đó, công ty phải nỗ lực thông tin đến nhà phân phối cũng như khách hàng để hiểu rõ vấn đề đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng thật.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, cho rằng chính sự thiếu hiểu biết, chạy theo giá rẻ của một số chủ cơ sở kinh doanh F&B đã tạo kẽ hở cho hàng kém chất lượng len lỏi. “Tiêu chuẩn hàng hóa đầu vào chính là lá chắn đầu tiên để bảo vệ sức khỏe khách hàng và uy tín thương hiệu” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, chủ các cơ sở F&B cần nghiêm túc áp dụng các nguyên tắc: lựa chọn nhà sản xuất có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; yêu cầu hàng hóa có hóa đơn, công bố chất lượng còn hiệu lực; nhãn mác rõ ràng, thể hiện đầy đủ thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và địa chỉ xưởng để truy xuất khi cần.
Để giảm thiểu rủi ro, ông Thanh khuyến nghị các cơ sở nên khảo sát nhà cung cấp, lấy mẫu kiểm tra định kỳ, đào tạo nhân viên nhập hàng, đầu bếp về kỹ năng nhận biết thực phẩm kém chất lượng. “Chỉ khi kiểm soát chặt từ khâu nhập hàng, chủ F&B mới xây được hệ thống phòng thủ chắc chắn, nâng cao tiêu chuẩn vận hành. Trong ngành này, niềm tin của khách hàng chính là tài sản lớn nhất – cũng là thứ dễ mất nhất” - ông Thanh nhấn mạnh.