Lộ diện nhà mạng được sử dụng 'tần số vàng' cho mạng 4G và 5G
Theo nghiên cứu kỹ thuật, bán kính phủ sóng trên khối băng tần 700MHz gấp 1,8 lần so với băng tần 1.800 MHz, giúp nhà mạng tối ưu chi phí triển khai nhiều lần.

(Ảnh: Viettel)
Ngày 21/5, Viettel thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B2 – B2’ của băng tần 700MHz trong vòng 15 năm tới.
Mức giá Viettel đưa ra là 1.995.613.000.000 đồng và là mức giá tương đương giá trung bình của Thế giới.
Đây là lần thứ 4 Viettel tham gia đấu giá băng tần 700MHz. Việc sở hữu khối tần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Viettel bởi đây là mảnh ghép hoàn thiện giúp Viettel mở rộng vùng phủ lên 99% dân số đến năm 2030. Với đặc tính truyền sóng xa và xuyên thấu tốt, khối tần B2 – B2’ của băng tần 700MHz không chỉ giúp phủ rộng và hiệu quả khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đường quốc lộ mà còn phù hợp để đưa sóng viễn thông len lỏi vào các tòa nhà cao tầng, các vị trí khó tiếp cận tại khu vực thành thị.
Theo nghiên cứu kỹ thuật, bán kính phủ sóng trên khối băng tần này gấp 1,8 lần so với băng tần 1.800 MHz, giúp Viettel tối ưu chi phí triển khai nhiều lần, tiết kiệm nhiều nghìn tỷ so với việc sử dụng các băng tần hiện tại khi xử lý các vùng khó phủ sóng, đồng thời cải thiện, nâng cao trải nghiệm người dùng.
Khối băng tần này được Bộ Khoa học và Công nghệ quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced (4G) và các phiên bản tiếp theo.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: "Việc sở hữu khối băng tần B2 – B2’ của băng tần 700MHz trong đợt đấu giá lần này là hết sức quan trọng và kịp thời để Viettel hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng một nền tảng hạ tầng số tốc độ cao, an toàn, tin cậy, kết nối người dân, chính quyền, doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn"./.