Lộ diện cổ đông sở hữu tỷ lệ 1% trở lên tại các ngân hàng
Các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ngân hàng công bố cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần từ 1% trở lên
Các ngân hàng lần lượt công bố danh sách cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần từ 1% trở lên.
Tại VPBank, Ngân hàng cũng vừa công bố 13 cổ đông cá nhân và 4 tổ chức sở hữu từ 1% vốn trở lên tính đến ngày 19/7/2024, tổng cộng nắm giữ gần 5,1 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm hơn 64% vốn điều lệ.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đang sở hữu 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,14% vốn. Người có liên quan tới ông Dũng cũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, chiếm 29,5% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch và nhóm có liên quan lên 33,64% vốn.
Ngoài ra, 4 cổ đông tổ chức tại VPBank gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông chiến lược của VPBank - đang sở hữu gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ; CTCP DIERA sở hữu 348,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,39% vốn VPBank; và hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt sở hữu 216,6 triệu cổ phiếu và 101 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,73% và 1,28% vốn VPBank.
Tại HDBank, CTCP Sovico, Baillie Gifford Pacific Fund và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) là cổ đông sở hữu trên 1% vốn cổ phần của nhà băng này. Cụ thể, tính đến ngày 28/6, Baillie Gifford Pacific Fund nắm giữ 64,2 triệu cổ phiếu HDB, tương ứng 2,19% vốn điều lệ; CTCP Sovico (Sovico Holdings) sở hữu 417,7 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 14,27% vốn và là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần của nhà băng này.
Đáng chú ý, theo báo cáo kết quả phát hành ESOP năm 2023 được công bố vào tháng 3/2024 của HDBank, Ngân hàng còn có 4 cổ đông cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ nhưng không được nêu trong danh sách nói trên.
Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 109 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,72%; ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 80,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,75%; ông Đào Duy Tường, Trưởng Ban kiểm soát sở hữu 79,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,73%; và ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính sở hữu 126,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,31% vốn của HDBank.
Trong khi đó, theo thông tin được LPBank công bố ngày 17/7, hai cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên có VNPost đang nắm giữ 167,2 triệu cổ phiếu LPBank, tương ứng 6,54% vốn điều lệ Ngân hàng.
Ngoài ra, người liên quan của cổ đông này cũng sở hữu khoảng hơn 200.000 cổ phiếu LPB, chưa đến 0,009% vốn ngân hàng. Trước đó vào tháng 4/2023, VNPost đã đấu giá 140,5 triệu cổ phiếu LPB (tương đương 84,5% cổ phần nắm giữ) nhưng không thành công do giá chào bán cao.
Một cổ đông còn lại trong báo cáo là ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch LPBank, sở hữu hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,77% vốn Ngân hàng. Người có liên với ông Thụy nắm số lượng cổ phiếu không đáng kể. Như vậy, hơn 90% cổ đông của LPBank là cổ đông nhỏ, lẻ.
OCB công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ gồm 7 cổ đông cá nhân và 13 cổ đông tổ chức. Trong đó, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn OCB gồm: Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV nắm tỷ lệ 4,96%, CTCP Đầu Tư Bình An House 4,74%,
CTCP Đầu Tư HVR sở hữu 3,85% vốn cổ phần OCB, CTCP Greenwave Capital sở hữu 4,44%, Văn Phòng Thành Ủy nắm tỷ lệ 3.65%, CTCP Đầu Tư Và Xây Lắp Điện Số 8 Bình Thuận sở hữu 3,27%, CTCP Phát Triển Hạ Tầng Khu Công Nghiệp Tây Ninh nắm tỷ lệ 3,25%, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Hve nắm 3,14%.
Bên cạnh các cổ đông tổ chức trong nước, OCB cũng đã công bố cổ đông nước ngoài, bao gồm Aozora Bank, Ltd đang là cổ đông nắm giữ nhiều nhất, với 308,2 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ; tiếp theo là Portal Global Limited và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) lần lượt sở hữu 3,03% và 2,42% vốn OCB. Tổng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại tại OCB đang chiếm 20,45%.
Còn về cổ đông cá nhân, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan nắm giữ tổng cộng 409,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với 19,92% vốn. Trong đó, Chủ tịch OCB nắm 91,1 triệu cổ phiếu, tương đương 4,43% vốn điều lệ.
Tại MSB, Ngân hàng cũng công bố danh sách 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, trong đó chỉ có một nhà đầu đầu tư cá nhân là ông Nilesh Ratilal Banglorewala (sinh năm 1965), hiện sở hữu 66,5 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 3,32% vốn điều lệ Ngân hàng.
Về phía nhà đầu tư tổ chức, VNPT là cổ đông chiến lược của MSB, hiện nắm gần 121 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 6,05% vốn. Theo lộ trình đã phê duyệt, đến hết năm 2025, VNPT sẽ thoái vốn tại MSB. Trong số các cổ đông tổ chức còn lại sở hữu từ 1% vốn điều lệ của MSB trở lên, nhiều công ty có mối liên hệ với Tập đoàn ROX (ROX Group, trước đây là TNG Holdings).
Cụ thể, 3 công ty là CTCP ROX Key Holdings sở hữu 48,6 triệu cổ phiếu, tương đương 2,43% vốn của MSB; CTCP Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL sở hữu 21,6 triệu cổ phiếu, tương đương 1,08% vốn MSB; và CTCP Đầu tư Xây dựng ROX Cons sở hữu 37,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,87% vốn MSB.
Ngoài ra, Công ty TNHH Khu nghỉ Dưỡng Bãi Dài, đơn vị nắm 99,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,96% vốn tại MSB; Công ty TNHH Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội nắm giữ 99,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,97%; CTCP Đầu tư Tiến An sở hữu 22,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,11%; CTCP Đầu tư Ricohomes sở hữu 52,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,64%; Công ty Xây dựng và Kinh doanh Cơ sở Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư sở hữu 99,6 triệu cổ phiếu MSB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,98%.
Thêm vào đó, trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% của MSB còn có sự góp mặt của một quỹ ngoại là Buenavista Holdings nắm giữ 40,5 triệu cổ phiếu hay 2,02% vốn của MSB.
Vẫn còn nhiều nhà băng có cổ đông sở hữu tỷ lệ vượt quy định
Theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), từ ngày 1/7/2024 - thời điểm Luật có hiệu lực, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của cá nhân và người liên quan.
Cụ thể, các thông tin của cá nhân và người liên quan cần cung cấp gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.
Ngoài ra, các cổ đông này cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó. Các cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin.
Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 1% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.
Đồng thời, tại Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là một biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi giảm trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo. Cụ thể, giới hạn trần sở hữu tại một ngân hàng đối với cá nhân không đổi ở mức 5%. Tuy nhiên, một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, bao gồm cả sở hữu gián tiếp, thay vì 15% như trước.
Cổ đông và người có liên quan cũng không sở hữu quá 15% vốn thay vì 20% như trước. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với ĐHĐCD, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh, việc giảm tỷ lệ sở hữu của tổ chức từ 20% xuống còn 15% là để ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, nhưng việc này không có tác động nhiều nếu cố tình lách sở hữu chéo. Nếu một tổ chức chia nhỏ sở hữu cho nhiều cá nhân, tổ chức đứng tên cũng thỏa điều kiện.
Trong khi đó, hiện trong hệ thống vẫn có một số nhà băng có cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần cho phép theo quy định mới. Chẳng hạn, tại Saigonbank theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thì nhà băng này hiện có một số cổ đông nắm giữ tỷ lệ trên 10% cổ phần như: Văn phòng thành ủy TP.HCM nắm 18,815% cổ phần; Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận sở hữu 16,640% tỷ lệ cổ phần chi phối; Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa sở hữu 16,325% cổ phần và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM sở hữu 14,081% cổ phần tại Saigonbank tính đến thời điểm tháng 6/2023.
Còn PGBank, theo danh sách cổ đông tại thời điểm 30/9/2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh sở hữu 13,099% vốn; Công ty cổ phần quốc tế Cường Phát 13,51%; Công ty cổ phần thương mại Vũ Anh Đức nắm 13,35% vốn.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của MBBank, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội sở hữu 14,13% cổ phần ở nhà băng này. Trong danh sách doanh nghiệp sở hữu trên 10% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Techcombank có Công ty cổ phần Tập đoàn Masan. Đồng thời, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan cũng là Phó chủ tịch Techcombank và sở hữu 0,266% cổ phần tại ngân hàng này...
Tại ABBank, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thể hiện CTCP Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn sở hữu 12,78% vốn. Ngoài ra, ABBank còn có cổ đông ngoại chiến lược là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 16,39% vốn. Cuối năm 2022, vốn điều lệ của ABBank là hơn 9.409 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), thì giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các tổ chức, cổ đông và người liên quan, nhưng không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Chứng khoán Yuanta đánh giá, đây là quy định hợp lý, tránh rủi ro tập trung, nhưng không thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng…