Lo bỏ sót nhân tài khi quy định thẩm phán phải từ 45 tuổi trở lên
Các ĐBQH cho rằng, quy định điều kiện để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao phải có độ tuổi từ đủ 45 trở lên là chưa hợp lý.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) góp ý về quy định cứng độ tuổi bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Ảnh: Media Quốc hội.
Tham gia góp ý, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, dự thảo Luật quy định một trong những điều kiện để được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao là "Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên" chưa hợp lý, cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo đại biểu, độ tuổi không thể là thước đo phản ánh năng lực, phẩm chất hay kinh nghiệm. Hiện nay, trong thực tế có nhiều cán bộ, thẩm phán trẻ tuổi nhưng rất tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm xét xử phong phú, từng giải quyết nhiều vụ án lớn và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
"Do đó, việc giới hạn tuổi tối thiểu có thể dẫn tới bỏ sót người có đủ tiêu chuẩn, năng lực nhưng tuổi đời chưa đủ theo quy định để bổ nhiệm Thẩm phán tòa án nhân dân Tối cao", đại biểu Nga nói.
Từ đó, bà đề nghị không nên quy định tiêu chuẩn độ tuổi từ 45 tuổi trở lên như dự thảo mà chú trọng đến các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, thời gian công tác, kinh nghiệm xét xử, đạo đức nghề nghiệp để lựa chọn người có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Hoặc nếu vẫn cần có giới hạn về độ tuổi thì nên bổ sung thêm cơ chế linh hoạt như: "Trường hợp đặc biệt, người dưới 45 tuổi nhưng có đủ điều kiện về năng lực, thành tích nổi bật và được đánh giá xuất sắc trong công tác có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao".
Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, cơ cấu lãnh đạo trẻ, lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương hiện nay đã dưới 45 tuổi, nên cơ cấu thẩm phán TAND Tối cao dưới 45 tuổi là hợp lý.
Ngoài độ tuổi cứng, việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao cũng cần đi kèm những điều kiện như: số năm kinh nghiệm thẩm phán, xét xử được bao nhiêu án...

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị phân cấp, phân quyền hơn nữa cho TAND khu vực. Ảnh: Media Quốc hội.
Cũng tham gia góp ý, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ tán thành với việc sửa đổi mô hình tổ chức ngành tòa án như dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị cần phân cấp, phân quyền hơn nữa cho TAND khu vực.
Hiện nay, dự thảo quy định TAND khu vực có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ án dân sự, hành chính và án hình sự với khung hình phạt 20 năm tù trở xuống, nếu trên 20 năm tù thì thẩm quyền thuộc TAND tỉnh.
Ông Hoàn đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND khu vực xét xử tất cả các vụ án hình sự. TAND tỉnh sẽ xét xử phúc thẩm tất cả các vụ án mà TAND khu vực đã xét xử sơ thẩm mà không cần thành lập 3 tòa án phúc thẩm đặt tại 3 tỉnh như dự thảo.
Đồng thời, giao thêm thẩm quyền cho TAND tỉnh được tái thẩm, giám đốc thẩm đối với chính bản án của mình.
"Việc lập 3 tòa án phúc thẩm có thể khiến người dân phải di chuyển rất xa, chưa đảm bảo mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn", ông Hoàn nói.

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm bản án của chính mình sẽ không khách quan. Ảnh: Media Quốc hội.
Giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, nếu có thể tổ chức mô hình tòa án theo 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm một cách tuyệt đối thì quá tốt.
Tuy nhiên, điều này phải đồng bộ với hệ thống cơ quan tố tụng khác, phù hợp với năng lực của cán bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Căn cứ điều kiện thực tiễn, ông cho rằng điều này chưa thể đáp ứng được.
Thời gian tới khi năng lực thẩm phán tại các tòa án trên được nâng lên đồng đều với các tòa án khác trong cả nước, sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất tăng thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm với toàn bộ các vụ án hình sự cho TAND khu vực.
Trước đề nghị của đại biểu về việc TAND tỉnh tái thẩm, giám đốc thẩm với chính bản án của mình, ông Trí cho rằng, nếu phân quyền quá nhiều sẽ khó kiểm soát trong việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất trong xét xử, vì "tỉnh mà giám đốc thẩm bản án của tỉnh sẽ không khách quan".