Lo âu từ những dòng tin nhắn 'kiệm lời'

Chỉ một tin nhắn 'Ừ' ngắn gọn từ phía khách hàng, không kèm theo bất kỳ biểu tượng cảm xúc hay lời khen nào, cũng đủ để Khánh Linh (23 tuổi), hiện đang làm freelancer trong lĩnh vực thiết kế đồ họa tại Hà Nội, rơi vào trạng thái bồn chồn suốt cả buổi chiều.

Mệt mỏi vì phải... đoán già đoán non

Hơn hai năm trong nghề, Linh đã quen với việc "đọc vị" phản ứng của khách hàng qua từng câu chữ. Với dự án lần này, khách hàng vốn rất nhiệt tình, các tin nhắn trước đó luôn đầy ắp những lời động viên như: "Ổn em ơi!", "Rất trông đợi sản phẩm cuối cùng". Nhưng sự thay đổi đột ngột trong cách phản hồi từ khách quen như tín hiệu "báo động đỏ" trong tâm trí cô nàng.

"Mình lo lắng, bồn chồn", Linh chia sẻ. "Mình mở lại file thiết kế cả chục lần, tự hỏi mình đã làm sai ở đâu. Bố cục có vấn đề? Màu sắc không hợp? Hay ý tưởng này chưa đủ ... 'wow'? Hàng loạt câu hỏi tự vấn bản thân cứ thế tuôn ra, dù mình biết mình đã làm rất cẩn thận".

Sự bất an vô hình làm tê liệt khả năng sáng tạo của cô gái trẻ. Cả buổi chiều, Linh không thể làm thêm bất cứ việc gì khác. Cô nàng liên tục kiểm tra trạng thái "đã xem" của tin nhắn mình gửi tiếp theo. Linh thậm chí còn hình dung ra cảnh khách hàng đang thất vọng, có lẽ đang cân nhắc tìm một nhà thiết kế khác.

Ngọc Mai, 21 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 3 Học viện Tài chính, thường xuyên cảm thấy hụt hẫng vì những tin nhắn có phần "kiệm lời" từ mẹ:

Ngọc Mai nhạy cảm với những tin nhắn có phần kiệm lời từ mẹ.

Ngọc Mai nhạy cảm với những tin nhắn có phần kiệm lời từ mẹ.

"Bình thường mẹ nhắn tin rất dài, hỏi han đủ thứ, cuối câu luôn có sticker hình trái tim, mặt cười. Nhưng dạo gần đây, đôi khi mẹ mình chỉ trả lời 'Ừ con' hoặc 'Ok'. Chỉ cần vậy thôi là trong đầu mình hiện ra đủ kịch bản. Mình lo mẹ ở nhà có chuyện gì giấu mình, hay mẹ giận vì mình ít gọi điện", Mai kể.

Cũng vì sự nhạy cảm này mà Mai đôi khi trở nên cáu kỉnh vô cớ với bạn bè. Một người bạn nhắn "Ok" thay vì "Okelaaa" như mọi khi cũng khiến Mai cảm thấy đối phương đang... tỏ thái độ với mình.

Không gian ảo, cảm xúc thật

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh, hiện đang công tác tại Viện Đại học California tại Davis – UC Davis, Mỹ , đây là biểu hiện điển hình của tình trạng suy diễn quá mức (overthinking), một hội chứng đang ngày càng phổ biến trong kỷ nguyên số.

"Giao tiếp trực diện cho chúng ta rất nhiều dữ liệu: tông giọng, biểu cảm gương mặt, ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt. Nhưng khi chuyển sang văn bản, tất cả những tín hiệu phi ngôn ngữ đó đều biến mất. Bộ não của chúng ta buộc phải lấp đầy 'khoảng trống ngữ cảnh' đó, và nó thường có xu hướng lấp bằng những kịch bản tiêu cực nhất, dựa trên nỗi sợ và sự bất an sẵn có", chuyên gia phân tích.

Ông cho rằng, văn bản là một hình thức giao tiếp "nghèo nàn" về mặt cảm xúc. Người đọc rất dễ áp đặt tâm trạng của mình lên con chữ. Khi bạn đang vui, một tin nhắn "OK" có thể mang nghĩa đồng thuận. Nhưng khi bạn đang lo lắng, cũng từ "OK" đó lại có thể bị diễn giải thành nhiều sắc thái cảm xúc như lạnh nhạt, bất cần, tức giận.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh.

Một khảo sát của ZeroBounce (công bố tháng 6/2025) cho thấy, mặc dù email và tin nhắn là kênh giao tiếp ưa thích của Gen Z tại nơi làm việc, chúng cũng là nguồn gây căng thẳng lớn khi 53% Gen Z cho biết email và tin nhắn công việc khiến họ căng thẳng. 60% Gen Z thừa nhận họ sử dụng email/tin nhắn để tránh né các cuộc đối thoại khó khăn và giảm lo âu tức thời. Điều này cho thấy họ cảm thấy áp lực và không thoải mái với các hình thức giao tiếp trực tiếp hơn, nhưng đồng thời, chính sự mơ hồ của tin nhắn lại gây ra một loại căng thẳng khác và 51% không chắc chắn khi nào nên nhắn tin hỏi lại nếu không nhận được phản hồi.

Đặc biệt, sự phức tạp trong ngữ điệu của tiếng Việt càng làm gia tăng nguy cơ hiểu lầm. Cùng một câu "Anh hiểu rồi", khi được nói ra với ngữ điệu khác nhau cũng sẽ mang sắc thái hoàn toàn khác. Nhưng khi nằm trên màn hình điện thoại, nó trở thành một mật mã vô hồn, mặc cho người đọc tự diễn giải.

Sự thiếu giao tiếp trực tiếp thường xuyên cũng khiến nhiều người trẻ mặc định rằng phong cách nhắn tin của mọi người đều giống mình. Vì vậy, các bạn khó chấp nhận rằng có những người nhắn tin theo phong cách đơn giản, ngọn nhẹ.

Việc suy diễn liên tục không chỉ rút cạn năng lượng tinh thần, gây stress, rối loạn lo âu, mà còn trực tiếp phá hỏng các mối quan hệ và hiệu suất công việc.

Chị Mai Lan, 34 tuổi, quản lý tại một công ty công nghệ có trụ sở tại Hà Nội cho biết: "Có một bạn nhân viên mới, sau khi tôi nhắn 'Done' để xác nhận đã xử lý xong email của bạn, tôi thấy bạn ấy làm việc cả ngày hôm đó với tâm trạng khá căng thẳng. Mãi sau này tôi mới biết bạn ấy nghĩ rằng tôi không hài lòng với bạn".

Chị giải thích: "Tôi chỉ muốn xác nhận nhanh để bạn yên tâm công việc đã được xử lý, ai ngờ lại phản tác dụng. Từ đó, tôi tập thói quen thả một icon mặt cười hoặc ghi rõ hơn 'Ok em, chị xử lý rồi nhé' để tránh gây hoang mang cho các nhân sự trẻ".

Tuy nhiên, chị Lan cho biết không phải ai cũng có thể và có trách nhiệm phải thay đổi để vừa lòng người khác: "Việc bắt cấp trên bận rộn phải luôn nhắn tin ngọt ngào, đủ ý với mình là một đòi hỏi vô lý".

Để giúp bạn trẻ thoát khỏi tình trạng suy diễn có phần tiêu cực, chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh đề xuất phương pháp tiếp cận thực tế mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Ông nhấn mạnh rằng chìa khóa không nằm ở việc cố gắng đoán đúng ý người khác, mà là ở việc quản lý phản ứng của chính bản thân mình:

"Thay vì lo lắng, hãy tập cho mình 'Quy tắc 5 phút'. Đặt điện thoại xuống, đi lấy một cốc nước, hít thở sâu, nhìn ra ngoài cửa sổ. Việc tạm thời ngắt kết nối khỏi nguồn gây stress sẽ giúp hệ thần kinh bình tĩnh lại và ngăn bạn rơi vào cái bẫy của những suy nghĩ tiêu cực," ông Nam Anh khuyên.

Bên cạnh đó, ông khuyến khích bạn trẻ chủ động trong cách giao tiếp: "Bạn có thể nhắn một cách xây dựng rằng: 'Em muốn hỏi lại cho chắc chắn về phản hồi này ạ' hoặc 'Khi nào anh/chị tiện, chúng ta có thể trao đổi nhanh 5 phút được không?'. Việc này không chỉ giúp bạn có câu trả lời chính xác mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp.

Đồng thời, hãy học cách chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát cách người khác giao tiếp, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cách bản thân mình phản ứng với điều đó".

Ảnh: NVCC

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/lo-au-tu-nhung-dong-tin-nhan-kiem-loi-post1756772.tpo
Zalo