Livestream bán hàng: Cần thiết lập 'lưới' kiểm soát chặt chẽ hơn

Livestream (truyền phát trực tuyến) trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội đang trở thành xu hướng và là kênh bán hàng hấp dẫn. Hình thức này cũng được quảng cáo là mang về doanh thu 'khủng' cho nhiều nhãn hàng và người bán.

Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh minh họa: Nguyễn Lành/TTXVN

Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh minh họa: Nguyễn Lành/TTXVN

Tuy nhiên, đằng sau những con số doanh thu tiền tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra như: Thực chất doanh thu có khủng đến mức đó? Nghĩa vụ về thuế được thực hiện ra sao? Liệu có tồn tại hàng hóa kém chất lượng? Vai trò của cơ quan quản lý thế nào trong kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi gian lận trong thương mại điện tử?...

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Trường, Chuyên gia Thương hiệu, Trường Đại học Thương mại.

Trong thời đại chuyển đổi số, thương mại điện tử là xu thế tất yếu mang lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng cũng như người bán hàng. Xin ông chia sẻ khái quát về những lợi ích mà giao dịch thương mại qua không gian mạng mang lại?

Trước tiên, đối với doanh nghiệp, thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường một cách nhanh chóng do quy mô tiếp cận khách hàng vô cùng rộng lớn trên không gian mạng, không có rào cản về vị trí địa lý, vùng lãnh thổ, biên giới… Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bán hàng, marketing, truyền thông, phân phối và tối ưu chi phí lưu kho hiệu quả. Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh được tối ưu, lợi nhuận của doanh nghiệp có cơ hội tăng cao.

Đối với người tiêu dùng, thương mại điện tử giúp khách hàng được tiếp cận với nhiều nhà sản xuất, phân phối cùng lúc nên đa dạng lựa chọn, có thể so sánh về giá cả trước khi mua mà không mất quá nhiều thời gian và giao dịch mua bán bất kể thời gian nào.

Bên cạnh đó, việc mua bán qua mạng, thanh toán online giúp giảm thiểu việc mua bán trực tiếp, từ đó giảm lưu lượng đi lại mua sắm, giảm ùn tắc giao thông. Các dịch vụ công như kê khai thuế, quyết toán thuế… liên quan đến thương mại điện tử được thực hiện online giúp tiết kiệm thời gian…

Gần đây xuất hiện nhiều phiên livestream công bố doanh thu "khủng" lên đến hàng tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu những phiên livestream này có phải đóng thuế hay không và đóng thuế theo mức nào, thưa ông?

Chúng ta có thể thấy rằng, vấn đề kinh doanh và có doanh số cho dù ở trên mạng hay không thì vẫn chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước; trong đó có cơ quan quản lý thuế.

Việc thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động livestream bán hàng là cần thiết và phải được quan tâm. Tổng cục Thuế đã nhanh chóng tiếp cận vấn đề và đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố; Cục Thuế Doanh nghiệp lớn sẽ khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát livestream bán hàng hóa, dịch vụ...

Về đối tượng nộp thuế, cá nhân hoạt động livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là cá nhân cư trú hoặc không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 tạo ra thu nhập từ sản phẩm, tạo ra nội dung thông tin số theo quy định pháp luật về thương mại điện tử là đối tượng nộp thuế.

Về thu nhập chịu thuế, cá nhân livestream bán hàng có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh nghĩa vụ về thuế, cũng không ít người lo ngại về chất lượng hàng hóa hay vấn đề về bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Theo ông, cơ quan quản lý cần làm gì để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử?

Rủi ro hàng giả, hàng kém chất lượng, mất dữ liệu cá nhân trên môi trường thương mại điện tử đã và đang hiện hữu, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, Bộ Công Thương đã nhận diện rõ và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, bổ sung nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn an ninh người tiêu dùng. Luật có hiệu lực từ 1/7/2024 và hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng trên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trong các lĩnh vực; trong đó có thương mại điện tử.

Dự báo các hình thức sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ ngày càng tinh vi, vấn đề gian lận trong thương mại điện tử sẽ ngày càng biến thể với nhiều hình thức mới hơn, đa dạng và phức tạp hơn, đòi hỏi cần những giải pháp thiết thực hơn để ngăn chặn.

Thứ nhất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ, lãnh đạo Bộ ban hành các chính sách, pháp luật và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP để đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Bộ Công Thương và các Bộ Công an, Tài chính... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm để xử lý.

Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý thị trường, công an, thanh tra...

Thứ tư, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái và phản ánh, tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm.

Thứ năm, xây dựng các giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ, ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ...

Trên thực tế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bán trên môi trường mạng mà vẫn được bày bán có phần công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... Thương mại điện tử chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống. Do đó, mấu chốt ở đây là phải thiết lập được “lưới” kiểm soát chặt chẽ hơn, truy cứu được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, nhập lậu theo đường tiểu ngạch...

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/livestream-ban-hang-can-thiet-lap-luoi-kiem-soat-chat-che-hon-20240714141856204.htm
Zalo