Lĩnh vực logistics đang chờ khai thác
Đồng Nai là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ và các khu vực khác. Các loại hình giao thông: đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy, cảng đang được kết nối, hoàn thiện. Do đó, công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch… của tỉnh dự kiến những năm tới sẽ có sự phát triển rất mạnh. Nhất là đến năm 2026, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác, các đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng xong, Đồng Nai sẽ là trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực phía Nam đi các tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu.
Với những lợi thế trên, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm logistics lớn của vùng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực logistics trong và ngoài nước đang dự tính mở rộng và đầu tư mới vào tỉnh. Bởi tiềm năng trên lĩnh vực này tại Đồng Nai còn rất lớn và đang chờ DN rót vốn vào các dự án để khai thác. Các DN logistics đã đề xuất tỉnh hỗ trợ thành lập Hiệp hội Logistics tỉnh Đồng Nai nhằm tập hợp các DN trên cùng lĩnh vực, liên kết để đầu tư, triển khai các dịch vụ đi kèm ngày càng đa dạng và hiện đại.
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2030, Đồng Nai sẽ hình thành 4 trung tâm logistics lớn. Trong đó bao gồm trung tâm logistics phía Nam, phía Đông Bắc của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm logistics Tổng kho trung chuyển miền Đông tại huyện Trảng Bom, trung tâm logistics tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Hiện tỉnh cùng các địa phương được quy hoạch các dự án về logistics đang mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Kết quả thống kê năm 2023, ở Đồng Nai luân chuyển hành khách gần 4,3 triệu lượt và hàng hóa hơn 6,1 triệu tấn. Dự kiến những năm tới luân chuyển hành khách, hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao khi kinh tế phục hồi, giao thông kết nối, cảng biển, cảng cạn, kho bãi được xây dựng và mở rộng. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp của Đồng Nai cũng ngày càng được mở rộng. Tới đây, nhiều khu, cụm công nghiệp của tỉnh được mở rộng, thành lập mới sẽ thu hút các DN thứ cấp vào xây dựng nhà máy sản xuất. Theo đó, lượng hàng hóa vận chuyển vào - ra ngoài tỉnh sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp của Bình Dương cũng đang tăng số lượng hàng hóa đưa về các cảng của Đồng Nai để xuất khẩu. Vì thế, những DN đầu tư vào lĩnh vực logistics ở Đồng Nai theo hướng xanh, hiện đại sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn.