Linh hoạt các tiết học trải nghiệm
Không chỉ đưa học sinh (HS) đến các không gian trải nghiệm, việc khai thác di sản văn hóa, áp dụng khoa học công nghệ mới vào dạy học cần được triển khai sáng tạo, đổi mới cả về hình thức và phương pháp khai thác, vận dụng tri thức, hình ảnh nhằm nâng cao hiệu quả đạt được.
Từ ngày 9 - 17/11, trên địa bàn Thủ đô, HS cùng cha mẹ và các thầy cô có cơ hội khám phá hàng loạt di sản kiến trúc nổi tiếng: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nhà hát Lớn, Đại học Quốc gia Hà Nội… thông qua nhiều hoạt động sáng tạo trong tuyến trải nghiệm Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.
Chương trình giáo dục di sản cho HS từ lâu đã được ngành giáo dục nói riêng và các cấp, ngành cùng quan tâm với những hoạt động thiết thực. Ngay chính các di tích, bảo tàng cũng không ngừng “làm mới” mình để thu hút công chúng hơn. Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) hiện có nhiều chủ đề của chương trình giáo dục di sản dành cho HS các cấp như “Khám phá bia tiến sĩ”, “Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ Văn Miếu”, “Lớp học xưa”...
Hiện chương trình giáo dục lịch sử địa phương đang được triển khai tại tất cả các trường phổ thông trên toàn quốc, trong đó địa chỉ di sản các cấp là nơi được các nhà trường chọn để đưa HS đến trải nghiệm, tham quan. Đơn cử tại Thủ đô có hơn 5.300 di tích với đa dạng về chủng loại; chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử cũng như các lễ hội truyền thống lâu đời, các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian… là điều kiện thuận lợi để HS tìm hiểu, học hỏi. Bên cạnh đó, những bảo tàng lịch sử, công viên văn hóa, vườn ươm khoa học, kỹ thuật… cũng là ưu tiên lựa chọn của nhiều trường học.
Giữa tháng 11 vừa qua, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức cho HS tham quan, trải nghiệm tại Công viên Khoa học Việt Nam - Đại học VinUni. Tại khu nghệ thuật về bướm, các em được xem tiêu bản bướm, cảm nhận được vẻ đẹp đa dạng của thế giới côn trùng. Các em cũng được thực hành sơ cứu người bị đuối nước, lắp mạch điện, đan thuyền, làm quạt giấy… Đồng thời được tham gia các trò chơi vận động, rèn luyện thể chất và tăng cường tinh thần đồng đội như chơi đánh golf, bắn cung, kéo co... HS được học hỏi nhiều kỹ năng sống cần thiết, là cầu nối gắn những bài giảng lý thuyết trên lớp với thực tiễn xã hội.
Dẫu vậy, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một hạn chế hiện nay đó là các nhà trường đang tập trung vào việc đưa HS đến không gian trải nghiệm hơn là đưa nội dung học tập phát triển năng lực sáng tạo trong chương trình nhà trường. Trong khi đó tại Hà Nội, sự phân bố các không gian sáng tạo tập trung vào địa bàn quận Hoàn Kiếm và một số địa bàn thuộc vùng lõi Thủ đô. Sự phân bố này không thuận lợi cho sự trải nghiệm thực tiễn.
Vì vậy, các trường cần cân nhắc việc lựa chọn, linh hoạt các hoạt động trải nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Một cách làm hay đang được Trường Tiểu học - THCS Pascal Hà Nội thực hiện nhằm tăng cường việc vận dụng di sản văn hóa vào dạy và học, đó là hướng tới các hoạt động đa dạng tạo không gian mở nhằm phát huy tính chủ động tìm tòi kiến thức của HS. Chẳng hạn như đưa HS đến học tập thực tế tại khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Sau đó, các em đã sử dụng công nghệ thông tin để làm bài thu hoạch ngay tại lớp bằng cách vẽ truyện tranh 3D, thiết kế lịch để bàn bằng nguồn tư liệu tranh, ảnh. Kiến thức tích lũy được vận dụng linh hoạt và thể hiện sáng tạo qua góc nhìn của mỗi HS chính là điều những tiết học trải nghiệm, sáng tạo muốn hướng tới.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84 ngày 17/7/2020 của Chính phủ dự kiến miễn giảm giá vé dịch vụ công cộng cho HS, sinh viên. Cụ thể, quy định HS phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như: Bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và chuẩn hóa từ ngữ để phù hợp với Luật Di sản văn hóa. Đối với sinh viên, dự thảo giữ quy định hiện hành tại Nghị định 84/2020/NĐ-CP (được giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.