Liệu tân thủ tướng có giúp Thái Lan vượt khó?
Nền kinh tế Thái Lan đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Hạ viện Thái Lan vừa bỏ phiếu thông qua việc bầu chọn bà Paetongtarn Shinawatra làm thủ tướng, thay thế người tiền nhiệm Srettha Thavisin bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm hôm 14/8.
Các chuyên gia kỳ vọng tân thủ tướng sẽ mang lại làn gió mới cho nền kinh tế vốn đang gặp nhiều thách thức. Hàng triệu người dân Thái Lan đang phải đối mặt với các khoản nợ khổng lồ và phải trông chờ vào những khoản tiền cứu trợ từ chính phủ.
Trong quý đầu tiên năm 2024, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,7% của quý trước và chậm hơn so với các nền kinh tế trong khu vực.
Quốc gia phụ thuộc vào du lịch này đang gặp khó khăn trong việc phục hồi sau đại dịch Covid-19, và các động lực tăng trưởng chính như: ngành công nghiệp sản xuất ô tô, vẫn đang trì trệ.
Động thái phế truất của tòa án hiến pháp nước này đối với ông Srettha diễn ra hai tuần sau khi cựu Thủ tướng mở đăng ký ví kỹ thuật số 10.000 baht cho 50 triệu người Thái. Đây là cam kết quan trọng mà ông đưa ra trong cuộc bầu cử của đảng Pheu Thái.
Vào ngày mở đăng ký, việc hơn 16 triệu người đã nộp đơn xin nhận tiền hỗ trợ từ ví kỹ thuật cho thấy nhiều người dân phải đối mặt với gánh nặng nợ khổng lồ cũng như phản ánh nền kinh tế Thái Lan đang gặp nhiều thách thức.
Xứ chùa Vàng đang là quốc gia có nợ hộ gia đình ở mức cao nhất châu Á với tổng số tiền lên đến 16,4 nghìn tỷ baht vào cuối tháng 3, tương đương 90,8% GDP.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira cho biết cần phải gấp rút giải quyết gánh nặng nợ trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng đáng kể. Ông cũng hy vọng du lịch sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế vì dự kiến sẽ có khoảng 35 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm nay.
Tình hình ngày càng khó khăn khi Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ là 2,50% trong cuộc họp vào tháng 6. Dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục được giữ nguyên trong cuộc họp vào ngày 21/8 tới. Ông Chunhavajira mong muốn ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng các quy định về cho vay thế chấp để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.
Nợ hộ gia đình tăng vọt cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Tổng sản lượng của ngành đã giảm trong 11 tháng liên tiếp khi doanh số bán hàng tại địa phương giảm mạnh.
Bộ Thương mại cho biết xuất khẩu ô tô và phụ tùng cũng giảm 0,4% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng ô tô xuất khẩu đến các thị trường chính như Malaysia và Việt Nam giảm gần 30% trong năm.
Động thái phế truất ông Srettha nhấn mạnh những rạn nứt sâu sắc giữa phe bảo thủ được quân đội hậu thuẫn và các đảng dân túy như Pheu Thai. Các cuộc đối đầu giữa hai phe trong hàng thập kỷ đã dẫn đến những bất ổn chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống người dân cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Các nhà phân tích cho biết cần phải có giải pháp lâu dài nhằm cải thiện triển vọng phát triển kinh tế trong dài hạn của Thái Lan.
Thị trường chứng khoán Thái Lan hiện là thị trường hoạt động kém hiệu quả nhất ở châu Á trong năm nay, với mức giảm điểm khoảng 9,3% trong thời gian gần đây.
Vào tháng 6, chỉ số tâm lý công nghiệp đo lường tâm trạng của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chạm mức thấp nhất trong hai năm, trong khi niềm tin của người tiêu dùng đạt mức thấp nhất kỷ lục vào tháng 7.
Các nhà phân tích cho rằng tình hình chính trị đang diễn ra có thể làm tăng nguy cơ bất ổn. Hiện tại, một số người Thái đang cảm thấy thất vọng đối với nền kinh tế.
Wilai, 60 tuổi, một chủ hiệu sách, cho biết nền kinh tế sẽ không thể tiến triển nếu nền chính trị vẫn tiếp diễn theo khuynh hướng như vậy.