Liệu pháp mới trong điều trị ung thư

Liệu pháp miễn dịch là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư. Đây được xem là biện pháp ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị và được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư.

Thăm khám bệnh nhân ung thư phổi tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC.

Thăm khám bệnh nhân ung thư phổi tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC.

Hệ miễn dịch là một mạng lưới các tế bào, mô và các cơ quan hoạt động cùng nhau để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Khi tác nhân lạ xuất hiện, bất kể lành tính hay ác tính, hệ thống miễn dịch nhận ra và phát động tấn công chúng. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch có những giới hạn nhất định như phát hiện được tế bào ung thư nhưng phản ứng không đủ mạnh, không nhận diện được tế bào ung thư do bị khóa chức năng nhận diện tế bào lạ…

Khi hệ miễn dịch suy yếu, tế bào ung thư càng dễ trốn thoát và phát triển mạnh. Đồng thời các tế bào ung thư có khả năng tiết ra chất vượt qua sự kiểm soát hoặc ngăn hệ thống miễn dịch tìm và tấn công chúng. Nhiều trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch khỏe mạnh nhưng tế bào ung thư vẫn phát triển.

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách tăng cường khả năng chống lại ung thư của hệ miễn dịch. Sử dụng những nguyên liệu được sản sinh bởi cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm, phương pháp này tăng cường, nhắm vào hoặc khôi phục lại hệ miễn dịch của người bệnh.

Một số liệu pháp miễn dịch tấn công các tế bào ung thư hoặc làm chậm lại sự lan rộng của chúng đến các phần khác của cơ thể. Một số khác giúp hệ miễn dịch phá hủy tế bào ung thư một cách dễ dàng hơn.

TS.BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị A (Bệnh viện K) lý giải: “Điều trị miễn dịch là một trong những thành tựu mới nhất và lớn nhất trong điều trị ung thư. Phương pháp này giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tấn công các tế bào ung thư. Hiện nay có 2 nhóm điều trị miễn dịch. Nhóm thứ nhất sử dụng các thuốc đích để kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể có khả năng chống lại các khối u. Hướng thứ hai là lấy các tế bào có chức năng miễn dịch ra khỏi cơ thể bệnh nhân, gắn các thụ thể có khả năng nhận biết tế bào ung thư và nhân lên, hay nói cách khác là “huấn luyện” các tế bào miễn dịch có khả năng “tìm và diệt” tế bào ung thư. Sau đó đưa các tế bào miễn dịch này trở lại cơ thể bệnh nhân.

Được biết, tuy chỉ mới phát triển trong vài chục năm gần đây nhưng liệu pháp miễn dịch đã nhanh chóng chứng minh được ưu điểm và tiềm năng của nó để trở thành một “trụ cột” mới trong điều trị ung thư. Tại Việt Nam, liệu pháp miễn dịch được áp dụng rộng rãi trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hàng nghìn bệnh nhân được điều trị và hưởng lợi từ thành tựu này, kết hợp với các phương thức phẫu thuật, xạ trị, hóa trị … chữa khỏi ung thư giai đoạn sớm và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ở giai đoạn di căn.

Theo BS Nguyễn Hoàng Gia - Phó khoa Nội 1 (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội), mặc dù có ưu điểm vượt trội là tấn công đặc hiệu vào tế bào ung thư, ít gây tổn thương các mô bình thường, đáp ứng điều trị kéo dài… Tuy nhiên liệu pháp miễn dịch cũng có những hạn chế. Đơn cử, do ở mỗi người biểu hiện kháng nguyên ung thư không giống nhau nên khả năng đáp ứng điều trị cũng khác nhau. Ngoài ra, bản thân các sản phẩm miễn dịch nhân tạo cũng là một phân tử lạ với cơ thể, vì vậy chúng có thể gây ra phản ứng chống lại chính nó. Bởi vậy, các tác dụng phụ có thể cũng kéo dài ngay cả khi chúng ta đã ngưng điều trị.

Bên cạnh đó, hiện tại không phải tất cả các bệnh đều có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Trong một số bệnh, hiện nay liệu pháp miễn dịch chưa đem lại hiệu quả như ung thư tuyến giáp, một số khối u ở não. Cuối cùng, ở nước ta, liệu pháp miễn dịch vẫn là một kỹ thuật mới nên khó có thể áp dụng rộng rãi với giá cả hợp lý cho mọi bệnh nhân ung thư trong tương lai gần.

Mặc dù còn hạn chế, các chuyên gia vẫn bày tỏ lạc quan trước tiềm năng của phương pháp điều trị ung thư này nói riêng và các phương pháp mới trong điều trị ung thư nói chung. TS.BS Phạm Tuấn Anh chia sẻ: “Trong một thập kỉ trở lại đây, lĩnh vực ung thư có nhiều tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán, điều trị, cải thiện rõ rệt thời gian sống thêm và chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. Trong ngoại khoa là các can thiệp xâm lấn tối thiểu, nổi bật là phẫu thuật nội soi robot.

Thành tựu trong xạ trị là các kỹ thuật xạ trị chính xác, điều biến liều xạ theo hình dạng khối u và nhịp chuyển động theo thời gian. Trong lĩnh vực nội khoa ung thư, với hiểu biết về sinh học phân tử khối u cũng như nhiều thuốc mới ra đời, điều trị ung thư không còn đơn giản dựa trên giai đoạn và thể mô học mà dựa trên hệ gene của mỗi bệnh nhân và đặc tính sinh học phân tử khối u.

Điều trị đích và miễn dịch là những thành tựu nổi bật nhất trong những năm vừa qua. Hướng nghiên cứu trong tương lai là kết hợp các liệu pháp miễn dịch khác nhau, hay sử dụng liệu pháp miễn dịch kết hợp với các phương pháp điều trị đích cũng như nghiên cứu ứng dụng điều trị miễn dịch ở các bệnh nhân giai đoạn sớm.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lieu-phap-moi-trong-dieu-tri-ung-thu-10290768.html
Zalo