Liệu 'ngoại giao yoga' của Ấn Độ có giúp thu hẹp khoảng cách Nga - Ukraine?
Khi thực hiện chuyến thăm đến Nga và Ukraine chỉ cách nhau chưa đầy 2 tháng, Thủ tướng Narendra Modi dường như kỳ vọng 'ngoại giao yoga' có thể thể hiện năng lực linh hoạt của Ấn Độ trong thu hẹp khoảng cách giữa các bên đang xung đột.
Theo tờ Global Times (Trung Quốc), trong những năm gần đây, Ấn Độ đã chú trọng đến “ngoại giao yoga”, thuật ngữ truyền thông địa phương sử dụng để miêu tả phương pháp của New Delhi tận dùng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này để giảm khoảng cách và kết nối các quốc gia lại với nhau.
Vào hôm 21/8, Thủ tướng Modi đã bắt đầu chuyến thăm Ba Lan và Ukraine. Sau chuyến công du tại Ba Lan, nhà lãnh đạo Ấn Độ có lịch trình thăm Ukraine từ ngày 23/8. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn Độ thăm Ukraine kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 3 thập niên.
Các quan chức Ấn Độ và Ukraine cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Modi sẽ tập trung vào tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác quốc phòng, khoa học, công nghệ. Thương mại song phương giữa hai quốc gia trước khi xung đột bùng phát là khoảng 3 tỷ USD/năm.
Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi diễn ra sau chương trình làm việc của ông tại Moskva từ 8-9/7. Thời điểm đó, Mỹ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng bày tỏ không đồng tình với chuyến thăm.
Ngày 21/8, trước khi rời Ấn Độ, Thủ tướng Modi khẳng định: “Tôi mong chờ cơ hội để chia sẻ quan điểm về cách giải quyết hòa bình xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Với tư cách là đối tác và quốc gia bạn bè, chúng tôi mong muốn hòa bình và ổn định sớm quay trở lại khu vực”.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi dựa trên “ngoại giao yoga”. Trong đó, Ấn Độ muốn thể hiện năng lực thỏa hiệp được với cả Nga và Ukraine.
Nhà ngoại giao Ấn Độ đã nghỉ hưu Anil Trigunayat chia sẻ với kênh Al Jazeera: “Chuyến thăm của Thủ tướng Modi có thể tạo cơ hội cho đối thoại và ngoại giao. Đó không phải là một công việc dễ dàng. Nhưng chúng ta cần cố gắng thử vì hòa bình”.
Tại thời điểm này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng đàm phán giữa Moskva và Kiev sẽ không có khả năng xảy ra.
Giáo sư Gulshan Sachdeva tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận định rằng ông không kỳ vọng nhiều từ chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi. Theo ông Sachdeva, cách để Ấn Độ xây dựng lòng tin với Ukraine là đầu tư vào tái thiết quốc gia này, vốn có nhiều khu vực bị tàn phá bởi xung đột.
Ông Sachdeva nói: “Chuyến thăm có thể đem đến cơ hội cho Ấn Độ để đưa ra các sáng kiến nhân tạo và tái thiết tại Ukraine”.